CÓ MỘT NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ VỪA LÀM THƠ VỪA ĐÁNH GIẶC

 

CÓ MỘT NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

                            VỪA LÀM THƠ VỪA ĐÁNH GIẶC

 

            Để có được ngày thống nhất đất nước như hôm nay, nhân dân hai miền Nam Bắc đã chịu đựng rất nhiều hy sinh gian khổ, trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, con người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và đã viết nên những bài ca tuyệt đẹp về lòng yêu nước. Trong hàng triệu chiến sĩ anh dũng như thế, có một con người mà tôi đã được gặp và hôm nay nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi xin viết đôi dòng về anh: Một người lính Cụ Hồ vừa làm thơ vừa đánh giặc.

Ảnh 1: Từ trái sang - anh Mão đứng thứ 2 và Thượng tướng Nguyễn Văn Hiệu đứng thứ 4.

 

            Trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghe theo tiếng gọi của non sông, lớp lớp thanh niên Việt Nam lên đường ra tiền tuyến. Họ mang trong mình truyền thống lạc quan yêu đời vừa làm thơ vừa đánh giặc của cha ông, rất nhiều người trong số họ đã làm thơ, có người đã trở thành những nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật.v.v. có người được khắc thơ mình trên bia đá như Lê Bá Dương. Tuy nhiên cũng có những người làm thơ mà tên tuổi không hề có trên báo chí. Nhưng thơ của họ lại được đồng đội chuyền tay nhau đọc trên những chiến hào. Đó là những vần thơ viết vội không hề trau chuốt, nhưng thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ, thấm đẫm tính nhân văn, giàu chất thơ và chan chứa tình người. Để rồi 40 năm sau gặp lại, nhiều bạn chiến đấu vẫn vui sướng  đọc thơ anh và họ đã khóc. Nghe lại những  những vần thơ đã từng gắn bó máu thịt với mình nơi chiến trường sinh tử, các bạn bè đồng đội đã giúp anh in thành tập thơ “Mãi mãi một thời”. Mà trường hợp sau đây là một người như thế.

           Anh là Nguyễn Viết Mão sinh năm 1952, quê ở xã Thạch Liên huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, một thương binh hạng 3/4 mang trên mình chất độc màu da cam, sau khi đất nước thống nhất anh trở về làm một người dân bình thường và hiện đang sống trên đường Tôn Đức Thắng Thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Đúng là anh không phải là nhà thơ, mà là một người lính. Một người lính Cụ Hồ thích làm thơ và đã từng dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tại đây anh Mão đã một mình bắt sống 12 tên lính ngụy trong đó có Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, sự kiện  này đã  được ghi trong hồi ký  “ Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu.

          Đọc hết trang cuối cùng của  tập thơ “Mãi mãi một thời” anh tặng, tôi thấy đây là một tâm hồn thơ thủy chung đằm thắm và anh đã gửi tấm lòng chân thật ấy, đến  với những người mà anh yêu quý nhất. Trong đơn vị anh ngày ấy có người bạn chiến đấu thân  thiết là Lê Bá Dương, đây là tác giả bài thơ “Lời người bên sông” được nhà nước ta cho tạc vào phiến đá bên dòng sông Thạch Hãn, để các thế hệ mai sau ghi nhớ những người đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc Như vậy thơ Lê Bá Dương thì tạc vào đá còn thơ anh thì tạc vào lòng đồng đội, tạc vào lòng người, và theo tôi chỉ có thế hệ tuổi 20 của thế kỷ 20, thế hệ Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mới làm nên những câu chuyện thần kỳ như thế. Nó là minh chứng sống động cho nối tiếp truyền thống vừa làm thơ vừa đánh giặc của tổ tiên ta. Phải khẳng định đây là một tập thơ hay, giàu cảm xúc, tôi thấy có người đọc xong đã khóc, như bài “Thương vợ” là một ví dụ. Có lẽ vì vậy mà tập thơ đã được nhiều người ủng hộ và cho xuất bản, trước hết là vị chỉ huy can trường của anh ngày đó, mà giờ đây là Thượng tướng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, rồi đến các đồng đội như Đại tá Nguyễn Phúc Sinh, Đại tá Trần Xuân Gứng, người bạn chiến đấu thân thiết Lê Bá Dương và cả những người mới quen lần đầu như nhà báo Nguyễn Hữu Dật – phóng viên của báo Quân đội Nhân dân trong những năm chống Mỹ,  rồi cũng từ đó mà Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã kịp thời cho ra mắt tập thơ này vào dịp 22/12/2011 vừa  qua.

Ảnh 2: Anh Mão với Tác phẩm “Mãi mãi một thời”.

 

          Bằng tình cảm quý trọng người chiến sĩ năm xưa vừa làm thơ vừa đánh giặc ở Thành cổ Quảng Trị năm nào, mà Thượng tướng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu lúc đó là Tiểu đoàn trưởng đã vui lòng viết lời giới thiệu cho tập thơ, với nhan đề: “Một chiến sĩ dũng cảm, một tâm hồn thơ”, trong đó có đoạn ông viết như sau: “ Nguyễn Viết Mão là một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Trong chiến đấu căng thẳng thiếu thốn nhiều mặt nhưng anh vẫn sáng tác thơ ca động viên mọi người trong đơn vị”. Ta có thể tìm thấy trong tập thơ với những bài như thế. Mười sáu ngày nằm trong vòng vây. Đạn hết, rau rừng nhạt muối… Nước uống thức ăn là măng giang gốc chuối. Lịch sử về sau có biết chuyện này. Sáu bánh lương khô phải phân lại nhiều ngày. Cho  đứa thương binh và anh em đứng gác…” ( Kỷ niệm mùa xuân 1971). Trong những chiến dịch hành quân thiếu thốn trăm bề, đến chiếc kéo cắt tóc cho đơn vị cũng bị gãy đôi vì đạn địch. Mà không có kéo, thì tóc dài như con gái và râu mọc như ông già, thế mà anh  vẫn có những vần thơ  lạc quan vui nhộn: “ Mái tóc này? Hỏi giống chị giống anh? Râu không cạo và không hề cắt tóc. Hỏi vì sao có phải chúng mình lười? Vì đợt ấy dọc đường đang leo dốc. Một tiếng đoàng chiếc kéo gãy làm đôi. Cậu y tá nhìn bạn tới rồi cười. Hãy đợi đó, sẽ có ngày ngắn gọn” ( Cũng vui).  Tướng Nguyễn Huy Hiệu viết tiếp: “ Thơ anh giản dị súc tích, giàu tính chiến đấu và rất tình cảm, lắng đọng trong mỗi chúng ta. Thơ anh là tiếng lòng đối với cha mẹ vợ con, bạn bè, đồng đội, quê hương. Thơ anh cũng là nén tâm nhang dâng lên đồng đội đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm trên chiến trường Quảng Trị”. Hà Tĩnh quê anh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi người dân lam lũ nhưng thủy chung chất phác thật thà, nên dù ai có đi đến chân trời góc bể vẫn nhớ mãi quê mình, như  trong bài “Về thăm quê” anh đã viết: “ Ôi! Dĩ vãng biết bao kỷ niệm. Về lại quê hương ai mất ai còn. Một thế hệ đi qua – Một thế hệ vàng son. Cho con gửi ngàn hương theo gió. Cho con kính cẩn nghiêng mình. Cảm ơn lòng đợi chờ vò võ… Xin được hòa mình vào hồn dân tộc thiêng liêng”. Đời người lính xông pha trận mạc, ăn bờ ngủ bụi thì chiếc võng thân thiết biết nhường nào, nếu như Phạm Tiến Duật đã từng viết: “ Chiếc võng bạt trên đường hành quân. Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi. Lại đường mới và hàng nghìn cô gái. Ở đâu em tinh nghịch của anh?” ( Gửi em cô thanh niên xung phong). Thì với lời thơ mộc mạc giản dị nhưng đằm thắm trữ tình Nguyễn Viết Mão lại viết: “ Theo tiếng hát của bà và mẹ thân thương. Võng cùng ta đi khắp mọi nẻo đường. Nay tuổi về già lại vui cùng cánh võng. Ru đứa cháu, ru niềm tin cuộc sống. Mà học theo, ru những tiếng ầu ơ. Ru mãi về sau, ru trọn bến bờ”. ( Cánh võng). Anh Mão làm thơ từ thời còn đi học, rồi làm thơ trên chiến trường đánh Mỹ và cách đây 2 năm, lúc đón mừng Mùa xuân Kỷ Sửu – 2009, anh đã viết những vần thơ  mừng xuân phơi phới niềm tin và tràn đầy nhựa sống: “ Xuân về mừng Tổ quốc bình yên. Dáng hiên ngang bốn ngàn năm lịch sử. Dẫu gian lao ta không hề run sợ. Gióng trống lên mừng ngàn tuổi Thăng Long”. ( Xuân nhẹ).

             Như trên đã nói bài thơ Thương vợ là một bài thơ hay, mà nói như bà Nguyễn Thị Thanh một người về hưu ở  đường Từ Văn Tư – Phan Thiết, khi đọc bài này nước mắt không chảy ra ngoài thì cũng chảy vào trong. Tôi thấy đó là một cảm nhận rất thật lòng và hoàn toàn chính xác. Vì bài thơ nói đến một vết thương chiến tranh mà người Mỹ gây ra  không bao giờ liền miệng. Thực lòng tôi cũng không muốn giới thiệu bài thơ này, vì dù có viết thế nào đi nữa cũng cảm thấy trở nên vô nghĩa đối với những người lính ở chiến trường bị nhiễm chất độc da cam, nó chạm tới nỗi đau của rất nhiều người trong đó có tác giả bài thơ. Nhưng bài thơ đã  tố cáo tội ác của giặc Mỹ và nhận được cảm thông yêu mến từ nhiều độc giả, nên tôi cũng xin trích một vài dòng để mọi người chia sẻ: “ Gần bốn chục năm, chiến tranh đã qua rồi. Anh vẫn sống trong cô liêu buồn tủi. Không lấy vợ thì người đời hắt hủi. Anh cưới em về không sinh nổi đứa con. Thật uổng cho em – Má phấn hồng son. Vừa đến tuổi bao trai làng dòm ngó… Sáu mươi tuổi hôm nay anh khóc thật. Khóc cho mình và khóc cả cho em”.

           Với một bài báo nhỏ mà giới thiệu một tập thơ có đến 64 bài, thì chưa thể nói lên được gì nhiều. Và trước khi kết thúc, tôi xin  trích lại mấy dòng viết của anh Mão ở trong tập thơ này, để mọi người hiểu thêm về tình người của những người lính sau trận mạc khi họ trở lại chiến trường Quảng Trị: “ Các anh ơi! Các đồng đội ơi!  Đồng đội Lê bá Dương đã khóc các anh thay cho tất cả chúng tôi – những người còn sống bằng bốn câu thơ khắc trên phiến đá bến thả hoa hai bờ sông Thạch Hãn rồi đó”.Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo.. nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi 20 thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi nghàn năm”.

 

PHAN CAO THÔNG

----------------

119/51 LÊ HỒNG PHONG

PHAN THIẾT – BÌNH THUẬN

0623821349 – 0919542837

Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

-------------

 

Các tin khác