Lược trích lịch sử Trung đoàn 27

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến đầu năm 1968 đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ bị thua đau trong chiến tranh phá hoại, buộc phải ném bom hạn chế và chấp nhận cuộc họp 4 bên ở Pa -ri. Ở miềnNamvới cuộc tiến công và nỗi dậy đồng loạt bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, quân và dân ta đã giành được thắng lợi chưa từng có.

  

 

 Trước yêu cầu khẩn trương chi viện sức người và sức của cho chiến trường miềnNam. Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đoàn 27 gồm 3 tiểu đoàn 1,2,3 và 3 cơ quan Trung đoàn cùng các đơn vị trực thuôc.

Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 271 của Quân khu được điều về làm Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 43, của tỉnh đội Nghệ An được điều về làm Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 44 của tỉnh đội Hà Tĩnh được điều về làm Tiểu đoàn 3. Ba cơ quan Trung đoàn và các đơn vị trực thuộc được điều từ Quân khu về.

Ngày 8 tháng 2 năm 1968 Đảng ủy Trung đoàn họp phiên đầu tiên tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và như vậy ngày 8 tháng 2 trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn 27. Trong cuộc họp Đảng ủy có các đồng chí Hà Tiềm- Trung đoàn trưởng, Đoàn Sáu – Chính ủy, Trần Thất – Trung đoàn phó, Ngô Trí Bình – phó Chính ủy, Lê Sinh -Tham mưu trưởng và Võ Xuân Tần – Chủ nhiệm chính trị.

Trọng tâm nghị quyết của Đảng ủy Trung đòan là “khẩn trương đưa Trung đoàn vào tham gia chiến đấu”. Tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 chuyển đến 2 huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên chuẩn bị vượt sông Lam. Tiểu đoàn 3 hành quân lên phía tây Hà Tĩnh (trên trục đường 1, các đơn vị trực thuộc  lần lượt tách khởi quân khu về vị tría tập kết chuẩn bị hành quân.

Thời gian không cho phép làm lễ xuất quân, nhưng tất cả cán bộ và chiến sỹ đều dấy lên niềm tự hào, vinh dự được ra đi chiến đấu từ quê hương của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Dù nhận lệnh rất khẩn trương, máy bay địch đánh phá ác liệt nhưng Bộ tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân 2 tĩnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ban chỉ huy Trung đoàn 271 đã tổ chức chuẩn bị cho cán bộ, chiến sỹ lên đường hành quân rất tận tình và chu đáo.

Ngày 20 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 3 đã có mặt tại xã Vĩnh Chấp, Tiểu đoàn 2 tập kết phía tây Vinh Linh, đây là vị trí cuối cùng để đơn vị chuẩn bị bước vào chiến đấu theo chỉ thị của mặt trận B5. Riêng Tiểu đoàn 1 đang trên đường hành quân.

Ngày 25 tháng 2 năm 1968 tại xã Vĩnh Chấp Ban chỉ huy Trung đoàn nhận nhiệm vụ:  Đưa Tiểu đoàn 3 vào tác chiến trên khu vực phía đông chặn địch hành quân, giữ vững bàn đạp từ điểm cao 31 đến Bến Ngự, Chợ Cầu.

Tiểu đoàn 2 vây ép Cồn Tiên cô lập căn cứ không cho địch nống lấn ra đông bắc Cồn Tiên.

Tiểu đoàn 1 khẩn trương vào chuẩn bị làm lực lượng dự bị cơ đông cho Trung đoàn.

Như vậy chỉ sau gần hai tuần kể từ ngày thành lập, đơn vị đầu tiên của Trung đoàn đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường bắc Quảng Trị.

Trận đánh thắng đầu tiên ở Làng Gia Bình của Tiểu đoàn 2 và trận đánh vang dội ở làng Phúc Sa của tiểu đoàn 3 (Do Linh- Quảng Trị) mùa xuân năm 1968  đã viết lên trang sử vẽ vang của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

Những trận đánh tiếp theo như ở Làng Xuân Hòa (xã Do An), điểm cao 161, điểm cao 544, 322, 288, đồi tròn, Bãi Tân Kim, Sắp Đá Mài .v.v..đã tiêu diệt hàng ngàn lính Mỹ, ngụy gây hoang mang cho địch không giám nống lấn ra phía bắc, buộc phải co về cố thủ trong các cứ điểm, tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn tác chiến trên chiến trường phía tây (Tân Lâm, Khe Sanh, Lao Bảo) được thuận lợi.

Trong cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972, Trung đoàn đảm nhiệm chiến đấu ở một hướng của chiến dịch, đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật, tiến công mãnh liệt, thọc sâu táo bạo, bám trụ kiên cường, cơ động nhanh chóng, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, tiến công các cứ điểm cồn Tiên, điểm cao 544, 322, 288, đồi Tròn, căn cứ Đầu Mầu và 241v.v… góp phần đập tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở bắc và Tây Quảng Trị, hổ trợ cho đồng bào ở 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng nổi dậy giải phóng quê hương.

Giai đoạn chuyển vào phòng ngự Trung đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến phòng thủ từ Thôn An Lộng (xã Triệu Hòa) Bích La Trung, Bích La Nam (xã Triệu Đông) Thôn Hà Mi, Nại Cửu, Chợ Sải (phía đông Thành cổ Quản Trị), những trận đánh diễn ra cả ngày và đêm, tranh chấp, giành giật, bảo vệ từng căn hầm, ngôi nhà, bìa làng… rất ác liệt góp phần kìm giữ quân địch tạo điều kiện cho đơn vị bạn chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong suôt 81 ngày đêm lịch sử.

Đầu năm 1973, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Trung đoàn về chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) để cùng các đơn vị bạn thành lập Quân đoàn 1, quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1975 cùng với khi thế sôi sục của cả nước chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng Miền Nam, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn cùng với các đơn vị bạn trong đội hình Quân đoàn 1, thực hành cuộc hành quân thần tốc vượt chặng đường dài hơn 1.700km vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những trận đánh vang dội ở các quận lỵ như: Quận lỵ Tân Uyên, Lái Thiêu, Cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước… Trung đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở màn cho lực lượng thọc sâu của Sư doàn đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy ở Sài Gòn, đồng thời Trung đoàn cũng tự mở đường tiến vào đánh chiếm khu binh chủng và hậu cần kỹ thuật của quân ngụy ở Gò Vấp kết thúc đúng vào trưa 30 tháng 4 năm 1975.

Trong hơn 7 năm chiến đấu  trung đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 2 vạn tên địch (có gần 1 vạn tên Mỹ), bắt sống 940 tên, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 20 tiểu đoàn, 31 đại đội, bắn rơi 79 máy bay, phá hủy 440 xe quân sự (có nhiều xe tăng và xe bọc thép, 41 khẩu pháo, 2 dàn ra đa, thu 800 khẩu súng các loại), hổ trở cho hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng nổi dậy giải phóng quê hương.

Trung đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng 5 huân chương quân công giải phóng và tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước Độc lập, Thống nhất, Trung đoàn cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, thiết thực cải thiện đời sống và góp phần xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

Đến năm 1991 theo chỉ thị của cấp trên Trung đoàn thực hiện rút gọn thành khung thường trực làm nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn luôn tập trung mọi nổ lực, nâng cao chất lượng huấn luyện quân dự bị động viên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trình độ và khả năng chiến đấu từ kỹ thuật, chiến thuật phân đội nhỏ đến hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng trong đội hình Sư đoàn thuộc Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, Trung đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Hơn 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Trung đoàn có nhiều biến động nhưng nhiệm vụ nào Trung đoàn cũng hoàn thành tốt và xuất sắc, được cấp trên, Đảng, nhà nước và nhân dân tin cậy. Đó là nền tảng và động lựcđể cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn hôm nay tự hào lập nhiều thành tích mới trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các tin khác