Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính

     Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 – 22/12/2014. Ban biên tập website trungdoan27 giới thiệu bài “Sự nghiệp của tôi là chiến trường” của phóng viên Nguyễn Trung Trực.

     Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, sinh năm 1943 tại Nam Định. Nguyên phóng viên báo QĐND, Hội viên hội nhà báo Việt Nam, Hội viên hội nhiếp ảnh TP HCM, Hội viên hội nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế.

     Tác phẩm được giải: “ Chiếm căn cứ Đầu Mầu”: giải thưởng lớn kèm huy chương vàng của tổ chức quốc tế các nhà báo O.I.J, Trên đường hành quân: Giải thưởng ACCU(Châu Á – Thái Bình Dương), giải nhất Hội Văn nghệ Hà Nội, Trên đồi không tên: Giải nhất Hội nhà báo VN (1973) - Giải nhì Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN (1971), Tiến bước dưới quân kỳ : Giải nhất Tổng cục Chính trị (1970), Nụ cười thành cổ : Giải thưởng tạp chí văn nghệ QĐ(1972)...Sách ảnh Khoảng Khắc: Giải thưởng xuất sắc loại A( Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) – Giải thưởng Ảnh Châu Á lần thứ 5(Tại Tp ảnh Sagamihara – Nhật Bản, 2005), Giải thưởng Nhà nước về VHNT(2007)…

SỰ NGHIỆP CỦA TÔI LÀ CHIẾN TRƯỜNG!

     Từ một người lính đến nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, trải qua bao thăng trầm với những cung bậc khác nhau, nhưng có lẽ đối với ông những khoảnh khắc ấn tượng nhất là những năm tháng cầm máy ở chiến trường Trong căn nhà nhỏ 8/1 Nguyên Trung Trưc - Phường 5- Quận Bình Thạnh, chúng tôi  được ông chia sẻ về cuộc đời cầm máy của mình.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (ngoài cùng bên phải) trong chuyến công tác
ở Tà Thiết – Lộc Ninh – Bình Phước)

Cơ duyên đến với nhiếp ảnh

     Những năm 60 của thế kỷ trước, nhiếp ảnh còn là một cái gì đó cao sang và xa xỉ đối với công chúng. Máy ảnh rất đắt phải đăng ký, phim thì phân phối phải có giấy giới thiệu mới mua được. Còn chụp thì đi đâu cũng phải gặp những tấm biển cấm quay phim chụp ảnh, theo quy định của thời chiến. Nghĩa là thời ấy, nhiếp ảnh là cả một thử thách lớn đối với những người nuôi mộng cầm máy.

     Năm 19 tuổi, Đoàn Công Tính rời quê hương Nam Định vào quân ngũ. Buổi đầu, ông tập tẹ viết tin và gương “Người tốt việc tốt” gửi báo Quân đội nhân dân và được đăng. Đó là niềm khích lệ rất lớn. Với niềm ao ước làm sao có được tấm ảnh để đăng kèm bài báo, người lính trẻ đã phải kiếm tìm cơ hội. Và cơ duyên đã đến với ông khi đồng đội từ Liên Xô về học Trường sĩ quan Pháo binh có chiếc máy ảnh Yorki. Đoàn Công Tính đã mượn máy tự học, tự mua phim để chụp, tự mày mò in tráng. Kết thúc khóa học, người bạn đã nhượng lại cho ông chiếc máy ảnh đó với giá 30 đồng (bằng nửa tháng lương lúc bấy giờ). Ba năm liền, Đoàn Công Tính cầm máy đi chụp và gửi những tấm ảnh cho các báo nhưng chỉ nhận được thư hồi âm là “nội dung tốt, bố cục tốt nhưng kĩ thuật in tráng còn non không thể đăng được”. Không nản chí, Đoàn Công Tính quyết tâm khắc phục những hạn chế đó. Và thành công đã đến trong thời gian ông chỉ huy trung đội dân quân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bức ảnh chụp tiểu đội nữ súng máy phòng không 12ly 7 bắn cháy máy bay Mĩ đánh phá quê hương, được báo Tiền Phong đăng và được bạn đọc chú ý. Đây chính là cú hích tạo bước ngoặt trong trong cuộc đời cầm máy của mình.

     Với chút ít “lưng vốn” nhiếp ảnh, năm 1969, Đoàn Công Tính được điều về công tác tại báo Quân đội nhân dân. Để trau dồi nghề nghiệp, ông phải học hỏi kinh nghiệm của các bậc đàn anh đi trước như Nguyễn Đình Ưu, Nguyễn Hưng... Quá trình lăn lộn trải nghiệm thực tế ở các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, tay máy của Đoàn Công Tính từng bước được khẳng định. Trong năm này ông có khoảng 70 tấm ảnh đăng báo và được báo Quân đội nhân dân tặng bằng khen

 “Ông vua chiến trường”

     Đó là biệt danh mà các phóng viên ở Hà nội thời bấy giờ đặt Đoàn Công Tính bởi những bức ảnh mang đậm hơi thở của cuộc chiến hàng ngày đều xuất hiện trên tất cả các báo lớn như Nhân dân, QĐND, Tiền phong...

     Năm 1970, nhà báo Đoàn Công Tính được cử vào vùng đất lửa Vĩnh Linh bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Đây là quãng thời gian mà ông tích lũy kinh nghiệm và làm quen với thực tế bom đạn ở chiến trường khốc liệt. Năm 1971, ông vác máy lên đường tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với một ao ước sẽ ghi được những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ. Tại đây, ông đã có những phán đoán chính xác kịp thời khi quyết định bám sát chiến trường Quảng Trị. Những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống chiến đấu của những người lính giữ Thành cổ đã ra đời cực kỳ sinh động. Hình ảnh sự hủy diệt của bom đạn trên rừng Trường Sơn, trên các bản làng và ở đó vượt lên khói lửa là những nụ cười của các anh bộ đội, của những cô du kích tuổi 20 tràn đầy sức sống, hình ảnh các chiến sĩ hai nước Việt - Lào sát cánh chiến đấu giải phóng quê hương đã ra đời: Trên đồi không tên, Đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ đoàn dù bị bắt sồng,Tiến vào trung tâm cụm cứ điểm Bản Đông... được các báo đưa tin làm người xem nức lòng.

     Chiều 31 tháng 3 năm 1972, có mặt trong mũi xung kích đầu tiên tiến vào căn cứ Đầu Mầu, Đoàn Công Tính đã ghi lại được nhưng hình ảnh bộ đội ta đánh chiếm căn cứ này. Hai ngày sau, căn cứ Tân Lập bị xóa sổ trong đó có Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn đầu hàng và đi theo cách mạng

     Phóng viên Đoàn Công Tính đã có một chuyến đi thần tốc hết 2,5 ngày từ sáng ngày 3 đến trưa ngày 5 tháng 4 năm 1972, bằng các phương tiện: đi, chạy bộ, xin đi nhờ xe để có mặt ở Hà Nội ngày hôm sau trên tất cả các báo có những phóng sự ảnh:  Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, giải phòng căn cứ Tân Lập ...phản ánh kịp thời chiến thắng của ta công bố ra thế giới. Khi trở vào với quyết tâm ghi hình cuộc chiến, ông đã cùng du kích Quảng Trị bơi qua sông dưới mưa đạn để tới Thành cổ ghi được hình ảnh: Nụ cười Thành cổ, những bức tường đổ nát tan hoang, sự dũng cảm kiên cường của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi quyết tâm bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm...

“Coi trọng nghề nghiệp của mình đã chọn”

  40 năm đã qua đi, nhưng cuộc đời cầm máy lăn lộn trên chiến trường đã hun đúc cho nghệ sĩ Đoàn Công Tính những kinh nghiệm nghề nghiệp hết sức quý báu. Chia sẻ với thế hệ hôm nay, ông tâm sự: Người cầm máy phải xác định ý nghĩa xã hội, nghề báo đầy những thử thách nghiệt ngã, nó đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng. Nhưng điều cốt yếu, muốn làm nghề thì trước phải coi trọng nghề nghiệp, cống hiến phục vụ công chúng. Biết hy sinh chấp nhận khó khăn gian khổ để tu luyện rèn dũa nghề một ngày một sáng hơn, tinh hơn. Nếu chạy theo tiền tài và danh vọng thật khó mà có được những tác phẩm sống mãi với thời gian.

                                                            Bài và ảnh: nguyễn Trung Trực

 


 

Các tin khác