Thượng tướng-Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Khó nhất là cân bằng khi đi xuống

Ông đã lên tới đỉnh cao vinh quang của đời binh nghiệp: vị trí Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc đó đã đặc biệt khó, nhưng khi trở lại với cuộc sống đời thường, ông lại vui vẻ khỏe khoắn và sống rực rỡ như chưa từng “hạ cánh”. Vậy bí quyết nào giúp vị tướng này làm được điều vốn coi là khó gấp trăm lần việc lên đỉnh cao ấy?


Luyện “đi xuống” ngay từ khi phấn đấu “đi lên”

Anh lính trẻ Nguyễn Huy Hiệu, phấn đấu từ vị trí bé nhỏ nhất - “anh lính binh nhì”, lên Cán bộ Trung đoàn khi mới 27 tuổi. Dịp ấy, trong một sự kiện cách đây 40 năm tháng 10/ 1973 ngày thành lập Quân đoàn I có Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Chu Huy Mân cùng tham gia, Trung tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I đã nói một câu làm Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu nhớ mãi “Bây giờ phấn đấu từ người lính lên sỹ quan đã rất gian khổ. Nhưng khi ở đỉnh cao rồi, phấn đấu trở lại làm một người bình thường còn khó gấp trăm lần”. Câu nói đầy ý nghĩa thực tiễn này đã giúp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tư duy rất sớm về một cuộc “trở về” an lành.


Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Tướng Giáp


Quả vậy, đang ở vị trí là một vị tướng quan trọng của quốc gia, trên đỉnh vinh quang, là tâm điểm chú ý của chiến sỹ, đồng đội và nhân dân, tuy có cả người trung thực, lẫn người lợi dụng… với một cuộc sống sôi động, đầy lý thú, đến khi trở lại vị trí xuất phát, rất khó cân bằng được tâm lý. Nhiều người đã bị sốc, sinh bệnh và già đi rất nhanh. Nhưng tướng Hiệu vì nhớ lời của vị tướng đàn anh Nguyễn Hòa, nên đã chuẩn bị cả tâm lý và điều kiện sống, làm việc để có thể “đi xuống cân bằng” ngay từ lúc ông đang còn phấn đấu vất vả, gian khổ để đi lên. Chính vậy, ông đã làm xuất sắc được việc khó trăm lần, ấy là cân bằng tâm lý được cho mình, tư tưởng cho gia đình, dòng họ, bạn bè, đồng đội… khi ông từ đỉnh cao sự nghiệp trở về. Họ vẫn gắn bó với ông, trân trọng ông như khi ông còn đương chức.

Tinh thần khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng. Tướng Hiệu luôn tâm niệm điều đó, nên ông không ngừng phấn đấu, sao cho có được mối quan hệ hài hòa với bạn bè, đồng đội. Ông cư xử với mọi người bằng tấm lòng của người có văn hóa. Cho dù đâu đó, có những người còn chưa hiểu ông, không ưa ông, ông biết nhưng vẫn cư xử tốt với đối tượng ấy, tự hiểu rằng họ làm vậy là do họ chưa có đủ thông tin về mình. Ông tin rằng nếu mình thực sự có thiện tâm trong cách xử lý mối quan hệ với họ, rồi qua thời gian họ sẽ hiểu ra. Ông hiểu sâu sắc rằng, mình không thể bắt tất cả mọi người yêu mình ngay; mà ở vị trí cấp trên, mình trước hết phải tự rèn mình sống bao dung, đại lượng, vị tha. Kể cả trong cuộc sống gia đình, trong môi trường làm việc, trong cách đối nhân xử thế, tướng Hiệu luôn hành động theo phương châm ấy.

Sau này, thậm chí khi tướng Hiệu đã về hưu, người trước kia từng không ưa ông, nay nghĩ lại, đã đến gặp ông thổ lộ, rằng trong quá khứ do chưa hiểu nên có nói những điều không phải về ông, mong ông thông cảm. Tướng Hiệu cho rằng, đó là chuyện bình thường, là cuộc sống, luôn có mặt tiêu cực bên cạnh mặt tích cực, nên không vì thế mà ông thấy nặng nề, ảnh hưởng tới tình cảm của mình. Đó là cách ông giữ cho tinh thần mình luôn khỏe, không vướng bận chuyện bực mình không đáng.

Thành tâm và giữ nụ cười bình thản

Ông cho rằng, chữ “an” trong tư tưởng vô cùng quan trọng. Nếu để mình bị đột biến về tâm lý, bị hẫng hụt tinh thần sẽ dễ sinh bệnh. Ông từng được rèn luyện bản lĩnh trong chiến trường, biết chung sống hòa bình với “cảm giác mạnh”, nên đã sở hữu được một thứ “thần kinh thép”, chịu được lửa trong mọi thử thách về tinh thần với những cạnh tranh khốc liệt kể cả ở chính trường. Trong cam go vẫn giữ được nụ cười bình thản. Bởi ông hiểu, chiến tranh nơi mặt trận đã ác liệt rồi, nhưng làm việc ở thời bình còn phức tạp gấp nhiều lần.



Có lần, người thợ cắt tóc quen trong khu phố ông ở đã hỏi ông, tôi thấy ông là một vị tướng, tướng thì phải oách lắm, sao ông bình dị như vậy, ông chẳng có khoảng cách gì với tôi cả! Tướng Hiệu là thế, ông sống chan hòa với những người hàng xóm; những chị bán rau, ông hàng nước xung quanh đều thấy ông gần gũi, không chút nào quan cách, xa rời mọi người. Trong cuộc sống hay trong công việc, ông đều tâm niệm hai chữ “Thành tâm, thành tâm.” Trong mọi việc, dù nhỏ nhất, mình phải dốc tâm huyết của mình vào đó, thì mới đi vào lòng người được. Đó là kinh nghiệm sống quý báu của ông.

Hiện nay, gần 70 tuổi, lịch ngày của tướng Hiệu vẫn đầy ắp những hoạt động lý thú, những hoạt động vì môi trường, tri ân đồng đội, nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh… Ông nhanh nhẹn, khỏe khoắn và hiệu quả trong tất cả những việc đó. Bí quyết là gì ư? Ông mỉm cười, đó là ông có một chế độ dinh dưỡng khoa học. Trước kia, đất nước còn vô vàn khó khăn, thì mỗi ngày ông đều ăn đủ ba trái chuối, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù đi đâu thì sau mỗi bữa ăn ông đều tráng miệng bằng một trái chuối. Khi kinh tế đất nước khá hơn, đọc sách thấy có thông tin trái bưởi rất tốt cho sức khỏe, nên mỗi ngày ông dùng một trái bưởi, ép nước và dùng cả tép cho có đủ chất xơ. Trái ổi cũng rất tốt, nên có thể dùng đan xen giữa bưởi và ổi.

Để rèn thể lực, trước tuổi 60, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chơi tennis, thi đấu nghiêm túc, đánh quyết liệt giành chiến thắng. Nay ở tuổi ngoài 60, chơi thể thao không phải để thắng nữa, mà để duy trì, bảo toàn sức khỏe. Thế nên ông đánh vừa sức, không ham đánh thắng. Chơi tennis mỗi ngày, sáng 30 phút, chiều 30 phút. Hoặc có thể tập thể dục, đi bơi, đi bộ, chạy nhẹ nhàng.

Hiện nay, trong hầu hết các chuyến đi của tướng Hiệu, đều có phu nhân của ông bác sỹ Lại Thị Xuân đi cùng. Đó là cách họ cùng gắn bó, chăm sóc cho nhau và chăm sóc cho cộng đồng. Đó là những chuyến đi vì đồng đội đã hy sinh, chữa lành những vết thương trên cơ thể đất nước do chiến tranh để lại, vì môi trường sống bền vững, lành mạnh hơn. Đó là cách vợ chồng vị tướng cùng chia sẻ cuộc sống, gia tăng tình yêu riêng tư, và cả tình yêu với tổ quốc.

Bài: Kiều Bích Hậu

 

 

Các tin khác