Báo chí cần có thêm những phóng viên chiến trường

Nói đến phóng viên (PV) chiến trường, không thể không nhắc đến nhà báo – nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính. Những tác phẩm báo chí do ông thực hiện tại “chảo lửa” Thành Cổ, Khe Sanh (Quảng Trị) hay chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (Hà Nội -1972) đến nay đã trở thành tài liệu quý giá về chiến tranh Việt Nam.

Thưa ông, ông đã chuẩn bị như thế nào để trở thành một phóng viên ảnh chiến trường ở thời điểm cách đây gần 50 năm?

NSNA Đoàn Công Tính: Tôi vốn tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh, làm Trung đội trưởng, chính trị viên đại đội rồi tiếp đó là cán bộ tuyên huấn. Tuy vậy, trong lòng luôn ấp ủ niềm mơ ước được làm phóng viên. Bài báo đầu tiên của tôi có tựa đề “Linh hoạt”, đăng trên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 13.8.1963. Lúc đó, tôi còn mang quân hàm binh nhì. May mắn là tôi mua được chiếc máy ảnh hiệu Jorky6 từ một vị sĩ quan từng du học Liên Xô về. Khi đó khó lắm, thị trường không có máy ảnh, muốn sử dụng phải đăng ký và có thẻ sử dụng, giống như xe máy bây giờ vậy. Có máy rồi, tôi vừa chỉ huy chiến đấu, vừa tập tành chụp, viết, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ, luôn sẵn sàng chiến đấu, vừa tranh thủ bất kỳ khi nào rảnh rỗi để chụp ảnh.

Có bao nhiêu tiền phụ cấp, tôi dành hết mua phim. Lúc đó tôi hiểu được rằng ảnh có tác dụng tuyên truyền về lâu về dài. Tuy nhiên, phải đến 3 năm kiên trì chụp-gửi-đợi chờ mới có tấm ảnh đầu tiên được đăng trên báo Tiền Phong. Đó là tấm ảnh tôi chụp du kích xã Vinh Quang anh hùng (huyện Tiên Lãng – Hải Phòng) bắn rơi máy bay bằng súng 12li7. Sản phẩm đầu tay này làm giấc mơ trở thành phóng viên chiến trường của tôi càng trở nên mãnh liệt. Tôi liền xin vào làm phóng viên báo QĐND, với lời thỉnh cầu được điều ra chiến trường. Lúc đó tôi 25 tuổi, đang là chính trị viên , xin ra chiến trường để làm một anh PV thì nhiều người ngạc nhiên lắm.

Năm đầu tiên thực tập, tôi đi theo tác nghiệp bên cạnh các PV có kinh nghiệm hơn. Để chuẩn bị ra chiến trường, tôi thường xuyên tưởng tượng, phác thảo, thai nghén các đề tài. Phải hình dung xem phải đưa tin một trận đánh, một chiến thắng bằng ảnh như thế nào cho ấn tượng, thể hiện hết tính ưu việt của nhiếp ảnh.

Năm 1970, tôi vào Quảng Trị-chảo lửa của chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Như cá gặp nước, tôi tha hồ vẫy vùng, lặn hụp trong sáng tác. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chiến tranh thật rùng rợn: khoảng 3 giờ sáng, trong một khu rừng, một trận đánh vừa đi qua, một bãi chiến trường thực sự với mùi khét khuốc súng, mùi xác chêt; thỉnh thoảng một làn gió lạnh thổi qua làm bùng lên một vài đốm lửa… Tiếc là máy ảnh lúc đó không chụp được trong đêm tối.

Trong vùng chiến sự tàn khốc, với phương tiện thô sơ, ông đã tác nghiệp như thế nào để trở thành một trong những PV ảnh chiến trường đáng nể nhất lúc bấy giờ?

Bằng niềm đam mê cộng với trách nhiệm, tôi đã tự đưa ra các quyết định mà đến giờ nhìn lại vẫn cảm thấy rất hài lòng. Những quyết định liều mạng lúc ấy đã làm nên sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Tôi đã tự quyết định vào, ra Thành Cổ và cấp tốc mang phim về Hà Nội để có những bức ảnh nóng hổi.

Qua theo dõi đài phát thanh, tôi biết trên bàn Hiệp định Paris, hai bên vẫn tranh cãi về việc ai làm chủ Thành Cổ Quảng Trị. Đó cũng là động lực để tôi chụp và đưa ngay về tòa soạn các bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành Cổ”, “ Chiếm căn cứ Đầu Mầu”… Những bằng chứng này là không thể chối cãi về chiến thắng của ta, buộc phía địch phải công nhận và ký Hiệp định Paris sau đó. Mỗi lần chụp xong những bức ảnh quan trọng, tôi phải mất hai ngày rưỡi để mang chúng từ Quảng Trị về tòa soạn ở Hà Nội. Cứ lội bộ dọc đường, hễ gặp xe ô tô quân đội thì đi nhờ được đoạn nào hay đoạn nấy. Còn nhớ năm 1972, nhà văn Thép Mới (nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân) có lời động viên tôi : “cậu đã lập kỷ lục về tốc độ chụp và đưa ảnh chiến trường lên báo nhanh nhất bằng phương tiện thô sơ nhất”.

Năm 1971, tôi được cử đi Pôlôven (cực Nam Lào) cùng 2 vị đại úy Nguyễn Trần Thiết và Trần Ngọc (sau này đều là đại tá, nhà văn, nhà báo nổi tiếng). Khi ngang qua Khe Sanh, thông qua một binh trạm, tôi đoán trận đánh lớn sắp xảy ra. Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định xin ở lại nơi này. Và quả vậy, chỉ hai ngày sau, hàng loạt máy bay địch nhào tới, hàng trăm đoàn pháo bính địch tràn vào Đường 9. Cây cối, đồi núi của ta bị bắn phá tan hoang; những vùng rừng nguyên sinh xanh rậm vậy mà bỗng chốc bị cày xới tan nát. Tại đây, quân đội ta đã giáng trả địch những đòn sấm sét, đánh bật khoảng 400 chiếc xe tăng của địch, và lần đầu tiên “bắt sống” nhiều xe tăng. Có mặt trong đoàn quân, tôi đã đi từ đầu đến cuối trận quân ta đánh tan một trung đoàn địch. Các bức ảnh “Trên đồi không tên:, “Đánh chiếm bản Đông”… đã được chụp trong dịp đó.

Nghề báo luôn là nghề nguy hiểm, đặc biệt đối với PV chiến trường. Ông có thể kể về những khoảnh khắc đối mặt với cái chết và kinh nghiệm của mình.

Ở Thành Cổ, Khe Sanh khi đó, nguy hiểm từ phía địch thì vô vàn, nó thường trực, không thể kể hết được; đã đi là chấp nhận rồi, được lành lặn đến tận hôm nay, chính bản thân tôi vẫn còn thấy kỳ lạ. Tôi đã từng viết sẵn di chúc để kèm trong các cuộn phim, phòng trên đường tác nghiệp hay trở về tòa soạn không biết hy sinh lúc nào.

Một lần tôi đang đi khảo sát tình hình với bộ đội thì gặp máy bay địch. Chúng quần đảo suốt hơn 1 tiếng đồng hồ trên đầu, thả rốc két có khi gần sát bên chỗ mình nấp. Thấy máy bay địch bay thấp, nhắm có thể bắn trúng, tôi liền rút súng ra định bắn. Tuy nhiên, anh lính sát bên tôi đã ngăn tôi lại, không cho. Anh ta bảo: anh có thể bắn trật, có thể bắn trúng; nhưng khi anh bắn xong thì giặc sẽ điều động cả một phi đội đến đây và chúng ta không thể chống cự nổi. Phải kiên trì, chờ chúng chán bỏ đi. Tôi nghĩ bụng: “nếu không cho bắn thì tớ chụp ảnh vậy”; nhưng chưa kịp nâng ống kính lên thì anh lính đã khống chế tôi ngay lập tức. Anh ta giải thích rất có lý: ống kính máy ảnh chỉa lên trời sẽ phản xạ ánh sáng, và chẳng khác nào chỉ điểm cho giặc tới dội bom xuống đầu. Người lính của chúng ta, họ rất tỉnh táo, giỏi và có kinh nghiệm. Tôi ngộ rằng, nhiệm vụ của mình là chụp ảnh, chứ không phải bắn súng, mặc dù được trang bị đầy đủ vũ khí như một người lính. Tôi nhớ nhà văn Victor Hugo có nói câu này: “một tác phẩm văn nghệ tốt có thể mang sức mạnh của một sư đoàn”. Thực tế, các tác phẩm văn hóa văn nghệ đã luôn đồng hành và có đóng góp hết sức to lớn vào thắng lợi của quân và dân ta trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Là một phóng viên chiến trường, ông có bao giờ nghĩ đến việc thực hiện nhiệm vụ ở một cuộc chiến nào đó trên thế giới? Theo ông, tại sao báo chí nước ta bây giờ hiếm có PV chiến trường quốc tế?

Tôi rất yêu Che Guevara bởi tinh thần quốc tế của ông ấy.Ở nhà tôi có treo một bức hình rất lớn của Che, ngay phòng khách. 15 năm sau khi đất nước thống nhất, ngoài 40 tuổi, tôi đến Thông tấn xã Việt Nam xin việc với nguyện vọng đi tác nghiệp tại Afganistan nhưng không được. Sau đó, nghe tin Thiếu tướng Trần Hải Phụng (Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự TP.HCM) sẽ sang Cuba để giảng dạy về chiến tranh du kích cho một số nước châu Mỹ La tinh, tôi đã phóng một cuốn album các bức ảnh chiến tranh từng chụp, kèm theo đơn thỉnh cầu được đến đưa tin vùng chiến sự Nicaragoa. Trong đơn, tôi nhấn mạnh rằng sẵn sàng hy sinh và không đòi hỏi bát cứ quyền lợi gì. Đáng tiếc, nguyện vọng này cũng không được đáp ứng.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đã có rất nhiều phóng viên quốc tế đến đất nước chúng ta. Nhiều người trong số đó đã giúp nhân dân Mỹ và thế giới hiểu rằng cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là sai lầm, phi nghĩa. Gần 20 PV quốc tế đã hy sinh tại VN.

Tôi nhớ trong một lần nói chuyện với sinh viên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc nhở thế hệ trẻ hãy nghĩ đến việc trả ơn quốc tế bằng hoạt động báo chí tại những điểm nóng trên thế giới.

Riêng tôi nghĩ rằng, báo chí nước ta cần phải có thêm những phóng viên chiến trường thực thụ.

 

Đoàn Quý Lâm

Báo Người Lao Động

Các tin khác