HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM LIỆT SỸ: TRẦN HỮU MINH QUÊ XÃ LĨNH SƠN- HUYỆN ANH SƠN- TĨNH NGHỆ AN THIẾU ÚY- CHÍNH TRỊ VIÊN: C1- D2- E27- B5

 

Tôi là:  Nguyễn Như Hân  - Sinh 1950.  Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước trực tiếp công tác, chiến đấu tại Mặt trận B5- Tỉnh Quảng Trị, thuộc đơn vị: D2- E27- B5 ( Nay D5-E27-F390-QĐ1) từ năm 1968-1974, nguyên đại tá đã nghỉ hưu, hộ khẩu thường trú: số 25- đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, số điện thoại: 0988 841 825.

      Trung Đoàn 27- B5 được thành lập ngày 08/02/1968 khi cuộc tổng tấn công tết mậu thân bắt đầu nổ ra, anh Trần Hữu Minh là trung đội trưởng thông tin Tiểu đoàn 43 Nghệ An Đỏ, được cấp trên điều động cả Tiểu đoàn về thành lập Trung đoàn 27-B5 lấy tên là Tiểu đoàn 2- hay gọi D2, K2- E27-B5. (Trần Hữu Minh sinhnăm 1946- nhập ngũtháng 02/1965, là Đảng viên ở quê trước khi vào bộ đội, năm 1967 là chiến sỹ Quyết thắng QK4 được đi dự đại hội chiến sỹ thi đua toàn quân khu và báo cáo thành tích  chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc).

        Sau gần một tháng, vừa hành quân vừa tổ chức lực lượng, toàn Tiểu đoàn đã có mặt ở chiến trường B5- Quảng Trị, nổ súng trận đầu tiên cho cả Trung đoàn tại Phú Ốc tiêu diệt 1 trung đội thám báo Mỹ, sau đó 2 ngày là ngày 06/3/1968, chiến đấu với hai đại đội bộ binh cơ giới Mỹ kéo dài từ trưa đến 05 giờ chiều mới kết thúc tại cây đa Gia Bình, thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tiếp tục Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ vây ép cao điểm Cồn Tiên, đến cuối tháng 4/1968 cả Tiểu đoàn được điều vào chiến đấu tại khu vực Đông Hà Quảng Trị. Trung đội thông tin đã phục vụ tốt liên lạc cho Tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu. Tháng 4/1968 anh Trần Hữu Minh được phong quân hàm thiếu úy và bổ nhiệm lên chính trị viên Đạị đội 1- D2-E27-B5, cùng đại đội trưởng Đinh Như Quỳ chỉ huy đại đội chiến đấu, chặn đánh quân Mỹ ra càn quét tại khu vực Ngã Tư Sòng gần 3 ngày liên tục từ ngày 29/4- 2/5/1968, trong đó có trận tiêu diệt gần 1 Đại đội bộ binh cơ giới Mỹ tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Cũng thời gian trên C1- D2- E27-B5 được Tiểu đoàn liên tục giao nhiệm vụ cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt 20 tên ác ôn khét tiếng hung ác tại khu vực Đông Hà- Cam Lộ, (có lẽ quân Giải Phóng thời gian trên toàn miền Nam chỉ có D2-E27-B5 là đơn vị chủ lực đã cùng dân quân du kích vào tận nhà của những tên ác ôn khét tiếng bị lực lượng cách Mạng tử hình để tiêu diệt).

      Trung tuần tháng 7/1968, 1 Đại đội Mỹ ra càn quyét tàn bạo tại khu vực xã Cam Thanh, lực lượng vũ trang địa phương yêu cầu quân chủ lực vào chiến đấu, C1- D2- E27-B5 lại được cấp trên giao nhiệm vụ vào chiến đấu, trận này tiêu diệt gần 1 đại đội Mỹ tại đồi 35 xã Cam Thanh vào ngày 21/7/1968.

      Theo thông báo của địa phương hiện có 1 Đại đội bộ binh Mỹ đang ra càn quyét và đồn trú phía bắc cầu Đông Hà, địa phương yêu cầu đơn vị chủ lực vào chiến đấu, C1-D2-E27-B5 lại được cấp trên điều vào chiến đấu. C1-D2-E27-B5 hành quân vào ngày 11/9/1968, đang củng cố nơi ăn ở, cán bộ Đại đội và trinh sát đi nắm địch bố phòng vào tối ngày 13/9/1968, hạ quyết tâm tối 14/9/1968 sẽ tập kích tiêu diệt Đại Đội Mỹ trên. Nhưng thời gian chưa tối  để tập kích tiêu diệt địch, thì 06 giờ sáng ngày 14/9/1968 địch bắn pháo và cho máy bay oanh tạc liên tục 3 giờ liền vào toàn bộ khu vực C1-D2-E27-B5 và các đơn vị của địa phương, sau đó chúng cho 1 Tiểu Đoàn quân Ngụy và 3 đại đội bộ binh Mỹ, cùng 6 máy bay trực thăng vũ trang, 4 máy bay phản lực oanh tạc và càn quyét khu vực trên liên tục cả ngày, không may tiểu đoàn phó Thượng úy: Nguyễn Kim Sơn, thiếu úy chính trị viên đại đội: Trần Hữu Minh, đ/c Tửu trinh sát mặt trận D31-B5 và 5 chiến sỹ C1-D2-E27-B5 hy sinh gồm các đ/c là: Cao Đức Sũng –quê: xã Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An; đ/c Hồ Văn Hòe- quê: Quỳnh Trang, quỳnh Lưu, Nghệ An; đ/c Nguyễn Xuân Kháng- quê: An Hòa , Quỳnh Lưu, Nghệ An; đ/c Kiều Văn Ngưỡng- quê: Can Thượng, Tùng Thiện Hà Tây (cũ); đ/c Nguyễn Văn Lợi- quê: Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn, Nghệ An (danh sách ghi đầy đủ quê quán khi về lại Trung Đoàn mới có). Tôi là liên lạc tiểu đoàn đi cùng để liên lạc và bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn, sau khi các đồng chí trên hy sinh phải chờ đến tối mới chôn cất anh em được, sau đó C1-D2-E27-B5 được trên điều ra xã Gio An, huyện Gio Linh để tập trung toàn Tiểu Đoàn tiếp tục vây ép Cồn Tiên (có cả D3-E27 tham gia). Trong đêm chôn cất anh em xong, thâm tâm tôi thầm hứa: Nếu hết chiến tranh mà tôi còn sống sẽ vào đưa hết anh em về với quê hương, gia đình và Tổ Tiên ông bà. 

LS Trần Hữu Minh

(Sau 43 năm đã được gia đình và đồng đội đưa từ chiến trường Quảng Trị về với quê hương)

     Nhưng sau chiến tranh tôi thuyên chuyển nhiều đơn vị, kể cả được bổ sung về đơn vị quân tình nguyện cho nước bạn Lào, phòng thủ phía thượng Lào trong chiến dịch biên giới phía bắc, bảo vệ từ xa đề phòng địch đánh vào sườn phía tây Tổ Quốc. Đến năm 1980 được điều về Hòa Bình, là đơn vị đại diện cho quân đội tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, công trình trọng điểm Quốc gia lúc bấy giờ. Công trình thi công 3 ca, 4 kíp liên tục, tôi là chỉ huy một ngành của đơn vị, nên 15 năm liền không có phép, hơn nữa lại chưa nhớ chính xác quê quán của các Liệt sỹ. Từ năm 1995 (có mục nhắn tìm đồng đội) tôi bắt đầu kết nối thông tin để thông báo cho các gia đình Liệt sỹ biết nhưng chưa liên lạc được.

       Sau khi nghỉ hưu, chuyển từ Hòa Bình về Hà Nội sinh sống mới có thời gian, điều kiện vào lại chiến trường. Không hiểu sao mãi cho đến nay tôi chưa tự giải thích được các tình huống và chi tiết lạ thường mà tôi chưa gặp bao giờ, trường hợp tìm kiếm Liệt sỹ Trần Hữu Minh tôi sẽ kể sau đây là chuyện có thật 100%: Từ khi các liệt sỹ C1-D2-E27-B5 hy sinh ngày 14/9/1968 tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (khu vực Khe Khỉ, dân địa phương gọi Khe Lòn), tôi chưa gặp các tình huống như mộng báo nào cả. Nhưng bỗng một đêm ngày 07 tháng 8 năm 2011 đang trong giấc ngủ say thì bất ngờ nghe tiếng nói bên tai làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi nghe và nhận ra ngay tiếng nói trên là của anh Trần Hữu Minh, vội lấy giấy bút ghi lại kẻo quyên, nguyên văn là“ Hân ơi! Em giúp anh đi, dẫn gia đình anh vào để đưa anh ra, nếu không lần này lỡ thời cơ thì anh sẽ vĩnh viễn nằm tại đây, trong này lạnh và buồn lắm em ơi”. Sau thông tin trên gần như cả đêm còn lại đến sáng tôi không sao chợp mắt được. Thời gian trên liên tục các đêm, kể cả giấc ngủ trưa ít ỏi, không đêm nào và ngày nào mà không có tiếng anh Trần Hữu Minh cứ lặp đi,  lặp lại nguyên văn câu tôi đã ghi lại ở trên. Tôi trao đổi với vợ và các con: Từ trước đế nay chưa bao giờ có chuyện như trên, đúng 43 năm rồi còn gì, khi anh Minh hy sinh thì chôn anh 1 mình trên một quả đồi, buồn là cái chắc, nhưng lạnh thì chưa hiểu sao, còn liên tục báo mộng thì chắc chắn có dấu hiệu mất mộ, phải vào để tìm và đưa anh ra.

      Mộng anh báo như có một cái gì đó thúc dục tôi phải nhanh chóng kết nối với gia đình anh càng nhanh càng tốt, không lỡ thời cơ thì có lẽ phải ân hận suốt cuộc đời còn lại. Tôi đã tìm gia đình anh Trần Hữu Minh qua rất nhiều ccb cũ của D2-E27-B5 để kết nối liên lạc, những người nhập ngũ trước năm 1968 mới biết anh Minh, nhưng mãi vẫn chưa được, một hôm suy nghĩ mãi nhớ còn một người mà mình chưa liên lạc, đó là anh Khánh quê ở Đô Lương (anh Khánh là trung đội phó thông tin khi tôi bổ sung vào D2-E27-B5, anh Khánh sau chuyển ngành về làm chánh văn phòng Tỉnh Ủy tỉnh Nghệ An, gia đình đang sinh sống tại Vinh), liên lạc được với anh Khánh qua điện thoại, tôi hỏi anh có nhớ anh Trần Hữu Minh, chính trị viên C1-D2-E27-B5 hy sinh tháng 9/1968 không? Anh Khánh trả lời ngay: Trần Hữu Minh quê ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tôi hỏi lại có chắc chắn không, anh Khánh trả lời và khẳng định: Trần Hữu Minh là người giới thiệu kết nạp tôi vào Đảng, thì làm sao tôi quên được. Mừng quá tôi báo cho anh Khánh thông tin anh Trần Hữu Minh ra tận Hà Nội báo lại cho tôi cả lúc ngủ đêm và ngủ trưa, tôi đoán chắc chắn có dấu hiệu mất hài cốt, chỉ kịp cám ơn anh Khánh, rồi tìm cách liên lạc ngay qua 1080 (bưu điện Nghệ An) nhờ cung cấp số máy liên lạc về xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Rất may gặp ngay chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã và hỏi: Xin hỏi chủ tịch: Ở xã mình có ai là liệt sỹ Trần Hữu Minh không, anh chủ tịch trả lời: Xã chúng tôi có Liệt sỹ Trần Hữu Minh, và tôi bảo: Tôi là người trực tiếp an táng khi anh Minh hy sinh, không hiểu gia đình anh Minh đã lấy được hài cốt anh ra chưa, nếu chưa nhờ anh báo ngay cho gia đình để liên lạc với tôi, không hiểu anh có dấu hiệu mất hài cốt hay sao ấy, anh liên tục hối thúc tôi càng nhanh càng tốt để đưa gia đình vào lấy anh ra. Chủ tịch hứa nhận lời giúp. Chờ một tuần mà không thấy hồi âm, tôi liền điện vào xã Lĩnh Sơn và lại gặp được chủ tịch xã, tôi hỏi chuyện nhờ tìm gia đình liệt sỹ Trần Hữu Minh đến đâu rồi, chủ tịch trả lời: Xin lỗi anh, tuần vừa rồi tôi bận họp trên huyện, nên chưa liên lạc được, tôi liền bảo: Chủ tịch quá bận, sao không cho quân lính giúp, sau đó anh chủ tịch xã báo lại: Gia đình liệt sỹ Trần Hữu Minh bố mẹ đã mất hết rồi, gia đình có 7 người con, 5 trai, 2 gái, trong đó 3 anh em đã mất (cả anh Minh) còn 2 anh em và 2 cô em gái: anh đầu là Trần Hữu Kỳ hiện ở TP- Vinh, anh út làm công nhân chè tại Cao Sơn xa lắm. Tôi nhờ anh cố giúp càng nhanh càng tốt, cứ vào gia đình ông bà gốc xã Lĩnh Sơn xin số điện thoại anh Kỳ ở Vinh thế nào cũng có, anh không đi được thì anh cho quân lính đi, trong tay chủ tịch có cả mấy chục người mà lúc nào cũng phải ra tay sao, anh cười và cử chủ tịch hội phụ nữ xã trực tiếp đến gia đình, sau 30 phút chị chủ tịch hội phụ nữ xã điện ra cho tôi và cung cấp số điện thoại cháu Vân con gái đầu anh Trần Hữu Kỳ (số điện thoại: 01633 648 617). Tôi cám ơn chị chủ tịch phụ nữ xã và liên lạc ngay với cháu Vân, tôi thông báo cho cháu biết thông tin giấc mộng anh Minh cho cháu nghe, bảo nếu gia đình có nhu cầu vào tìm hài cốt thì gia đình thu xếp đi ngay càng nhanh càng tốt.

      Ba ngày sau ngày 21/9/2011, anh Trần Hữu Kỳ cho cháu Vân ra Hà Nội trước gặp tôi, (cháu Vân là tiến sỹ dạy khoa sử trường Đại Học Vinh, vừa để nắm thông tin, nhưng cũng vừa để kiểm tra xem thực hư, vì rất nhiều trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng). Cháu Vân được tôi cung cấp chi tiết về trường hợp anh Minh bị các vết thương trên người lúc hy sinh, sau khi hy sinh được đơn vị và tôi mai táng, khi chôn trên người anh có 1 chiếc bút kim tinh Trung Quốc, nắp bằng nhôm, thắt lưng Trung Quốc đang đeo cùng quần áo trên người, toàn bộ tư trang đã được đơn vị đưa ra, khi báo tử chắc đã bàn giao cho gia đình rồi. (Đêm ấy có 4 người an táng anh Minh: Gồm tôi và 3 người của Đại Đội 1, 1 trung đội trưởng, 1 tiểu đội trưởng và 1 chiến sỹ, khi lên chôn có 1 đại đội Mỹ đang đồn trú cách nơi chúng tôi chôn anh Minh chỉ khoảng 70 đến 100m. Do trời tối, tôi không nhìn rõ mặt ai cả, chỉ nhớ mang máng người trung đội trưởng tên là Minh hay sao ấy, đơn vị bộ binh sau bao nhiêu năm chiến đấu,  đến nay tôi cũng không nhớ được ai còn ai mất), đồng thời tôi vẽ lại sơ đồ và gốc cây làm chuẩn.  Ba ngày sau anh Trần Hữu Kỳ cũng ra, tôi kể lại cho anh nghe và tôi hỏi: Trong thời gian qua, gia đình có ai nhận được thông tin anh Minh mộng báo không, anh Kỳ trả lời: Không có thông tin em báo nào cả, rồi anh kể lại tìm em sau chiến tranh cho tôi nghe:

      Hòa bình lập lại năm 1975, khi bố mẹ còn sống giao cho anh bằng mọi giá phải vào chiến trường để tìm hài cốt của em, anh hứa với bố mẹ là sẽ bằng mọi cách quyết đưa em về quê bằng được, lúc ấy anh là đại tá, trưởng phòng kinh tế Quân Khu 4, nên rất có điều kiện. Từ năm 1976 đến khi anh nghỉ hưu, gần 30 lần gia đình vào chiến trường tìm kiếm hết 72 nghĩa trang tại tỉnh Quảng Trị, tìm hiểu rất nhiều thông tin đồng đội và địa phương, nhưng cũng không có kết quả, khi bố mẹ mất hết, anh nay đã 73 tuổi rồi, vừa qua lại bị xuất huyết não, đã nghỉ đến chuyện mãi mãi vẫn không có hy vọng đưa được em về với quê hương, về với ông bà Tổ Tiên, buồn lắm chú à. Khi nghe có người báo tin là trực tiếp chôn cất khi em hy sinh, anh và cả gia đình mừng lắm, liền cho con gái đầu ra để gặp chú, còn anh ở nhà để thu xếp mọi việc chuẩn bị vào chiến trường tìm em. Anh và tôi thống nhất hiệp đồng thời gian, ngày giờ vào chiến trường là: 08 giờ sáng ngày 26/8/2011. Tối ngày 25/8/2011 tôi đi tàu vào ga Vinh, được gia đình anh đón và đi thẳng vào Quảng Trị.

       3 giờ chiều cùng ngày vào đến Đông Hà, chúng tôi vào luôn chiến trường xưa để khảo sát hiện trường, vì đã 43 năm trôi qua, tôi chưa vào lại nơi này. Vào đến nơi tôi bị bất ngờ và choáng: Một hồ  thủy lợi ngập nước mênh mông, nhìn mực nước ngập khi rút xuống đến đâu là để lại dấu vết toàn đất đá, không có cỏ cây nào sống được, quả đồi nơi chôn anh Minh cũng bị ngập nước đến mấy mét, bị sóng đánh bay hết đất, từ phần không ngập nước trở lên dân địa phương đã trồng tràm và thu hoạch đến mấy mùa rồi. Lần này dân đang tiếp tục thu hoạch tràm và đặc biệt: 2 cỗ máy ủi CÔ MAT SU đang ủi ầm ầm chỉ cách 50m nữa là ũi bay mất mộ (dân trồng lại rừng theo dự án mới). Tôi bảo với anh Trần Hữu Kỳ: Đúng là sự linh thiêng huyền bí đến kỳ lạ. Khi đang sống anh Trần Hữu Minh to cao, trắng trẻo, đẹp trai, thông minh và gan dạ, sống hết mình với anh em đồng đội, rất được cấp trên tin tưởng, cấp dưới và anh em đơn vị yêu thương, kính trọng. Tôi tiếp tục xác định tìm kiếm nơi an táng anh Minh, nhưng lượn đi, lượn mãi và cố quan sát thật kỹ từng vật chuẫn từ dòng Khe Khỉ cũ đến kiềng K7 và khu vực hầm kinh tế của địa phương, khu vực đóng quân của C1-D2-E27-B5, hầm của tôi cùng TĐP Nguyễn Kim Sơn ngủ. Xác định mãi vẫn chưa chính xác mộ phần anh Trần Hữu Minh thì mặt trời đã xuống núi, tôi bảo anh Kỳ: Ta ra thôi kẻo trời tối xe không ra được, mai ta lại vào tiếp, sau đó chúng tôi ra nhà nghỉ 27/7 của tỉnh Quảng Trị tại Đông Hà.

       Đêm đầu tiên nghỉ tại nhà khách 27/7, tôi và anh Trần Hữu Kỳ trao đổi, bàn bạc: Sáng mai ngày 27/8/2011 tôi sẽ mời thêm anh Nguyễn Xuân Quy (nguyên là trinh sát D31-B5 dẫn đường và nắm địch cho đơn vị chiến đấu; anh Hiệp là xã đội trưởng xã Cam Thanh, Cam Lộ cũ, trong trận trên cùng có mặt, cô Đào du kích mà đêm 13/9/1968 dẫn đường cho đơn vị vào trinhsátxem bố phòng của Đại đội lính Mỹ đồn trú phía bắc cầu Đông Hà) cùng vào để giúp xác định thêm về địa bàn. Sáng mai tôi sẽ báo cho Huyện Đội huyện Cam Lộ, Phòng LĐTB & XH huyện Cam Lộ, xã Cam Thủy cùng ra tìm kiếm và quy tập cho đúng quy định (Trong chiến tranh địa bàn trên thuộc xã Cam Thanh, nay thuộc xã Cam Thủy). Sau đêm đầu tiên ngủ tại Đông Hà, khi ăn sáng xong là cả đoàn theo kế hoạch tiếp tục vào chiến trường cũ tìm kiếm. Huyện Đội và Phòng LĐTB & XH báo khi nào tìm được mộ thì thông báo cho họ ra, còn chủ tịch và xã đội trưởng xã Cam Thủy cùng đi để xác định khu vực có mộ của dân địa phương không. Hôm ấy trời nóng, buổi trưa lên đến 40 độ C, thật là cái nóng miền Trung như thiêu, như đốt. Tôi bảo anh Trần Hữu Kỳ nên ở trong lán của dân đang khai thác rừng tràm, anh già rồi lại bệnh xuất huyết não mà tái phát ra đây thì khổ. (Anh Kỳ bị bệnh xuất huyết não để lại di chứng: Miệng lưỡi bị rụt nên khi nói khó phát âm, chân đi vẫn tập tễnh, run run không chắc chắn. Anh bảo vào đây, nơi em tôi hy sinh và nằm lại, tự nhiên tôi thấy khỏe ra, chân đi thoải mái không thấy mệt, ở tuổi 73 mà anh đã cùng theo tôi tìm hết cả ngày 27/8/2011). Do thời gian quá lâu, dân trồng tràm kín đồi, đặc biệt do nước ngập đánh bay hết cả phần đất xuống lòng khe, nên tôi vẫn lúng túng tìm chưa ra phần mộ của anh Minh. Đến gần 05 giờ chiều bỗng anh Kỳ kêu lên: Chú Hân ơi, chắc chắn em tôi nằm đây rồi, tôi đang định sang lán để ra Đông Hà, nhưng không đi được, chân thì bước ra nhưng người thì lại quay trở lại, giống như em tôi mách bảo: Em đang nằm tại đây anh ơi, hai chân tôi thấy cứ lạnh toát lên rồi. Tôi đến bảo khu vực này  khả năng là chắc chắn rồi, tôi đang tìm thật chính xác gốc cây mà tôi làm vật chuẩn, tôi đã dùng dao gạt đi gạt lại để tìm,  dù là gỗ đã mục nhưng hiện tại vẫn chưa thấy, tôi khẳng định phạm vi 5 mét vuông trên đồi đã ngập nước, bị sóng đánh bay sạt hết đất nơi chúng tôi đang đứng, may mùa khô nước rút xuống mới quan sát được, tôi chỉ vị trí cho anh Kỳ chú ý, không cho ai được dùng cuốc, xẻng đào bới, dễ làm mất hết dấu vết. Cả đoàn tập trung cố gắng tìm, nhưng vẫn chưa xác định đúng vị trí mộ anh Minh nằm, mặt trời đã lặn buộc chúng tôi phải ra Đông Hà kẻo trời tối không ra được.

      Sau khi ăn cơm tối ngày thứ 2 xong, vừa nghỉ ngơi, tôi và anh Kỳ tiếp tục bàn bạc ngày mai vào quyết tâm tìm cho bằng được hài cốt anh Minh. Tôi trao đổi với anh Kỳ là: Sáng mai tôi cùng anh Quy đến tận vị trí hầm anh Quy cùng trinh sát Tiểu đoàn ở, hầm tôi cùng TĐP Nguyễn Kim Sơn ngủ, lặp lại trục đường lên đồi, để xác định chính xác vị trí nơi anh Minh hy sinh. Nhờ anh Hiệp thuê mấy người có máy dò mìn ra để dò, khi anh Minh hy sinh, trên người tôi nhớ có 1 chiếc bút kim tinh Trung Quốc, gài túi áo bên trái, nắp bút vỏ bằng nhôm, 1 khóa thắt lưng Trung Quốc màu đỏ mà lính chiến trường thời gian trên ai cũng được trang bị, khóa thắt lưng bằng sắt, nắp bút bằng nhôm chắc chắn máy dò mìn sẽ báo tín hiệu được, dặn không được ai đào bới, chờ tôi và anh Quy đến, tôi sẽ đến trước 10 giờ là giờ anh Minh hy sinh. Đêm đó gần như chúng tôi đều chập chờn khó ngủ.

      Sáng ngày 28/8/2011 ngày thứ 3, theo kế hoạch đã bàn tối qua, tôi liên lạc nhờ anh Hiệp và cô Đào thuê một số người có máy dò mìn cùng gia đình ra đồi trước, làm thủ tục hương khói để dò mìn tìm kiếm (thống nhất chỉ khi tôi đến mới được đào bới). Sau khi tôi cùng anh Quy từ kiềng lên đến đồi thì máy ủi đang ủi cách khoảng 50m là đến mộ anh Minh, bỗng có tiếng cháu Dũng (con út của anh Kỳ) kêu lên: Chú Hân ơi, vong chú Minh nhà cháu nhập vào chị Vân rồi (cháu Vân là con gái đầu anh Kỳ), tôi vội vàng chạy đến, thấy cháu Vân ngồi trên một dãy đá cách mộ chừng khoảng 7 đến 8 mét, mắt nhắm, đầu cứ quay tít 1 chiều, tôi vội quỳ xuống, chưa kịp nói thì cháu Vân mắt vẫn nhắm mà 2 tay, 10 đầu ngón tay khum lại dấm dứ trước mặt tôi, miệng lắp bắp như muốn nói một điều gì nhưng không rõ thành lời, làm tôi lạnh toát cả mồ hôi, trong giây phút tĩnh lại, tôi quỳ xuống trước mặt cháu Vân nói: Em xin lỗi anh, anh Minh ơi! không phải em quên anh đâu, mà do em nhớ sai địa chỉ quê anh, anh ở Anh Sơn, em lại nhớ ở Thanh Chương, hơn nữa sau chiến tranh, em thuyên chuyển nhiều đơn vị, chưa có điều kiện đưa gia đình anh vào được, mãi hôm nay sau khi liên lạc được gia đình anh mới 6 ngày, gia đình anh gồm: Anh trai là Trần Hữu Kỳ và 3 cháu nội của anh, cùng các đồng đội là; Anh Quy, anh Hiệp, cô Đào và em cùng bà con địa phương đã có mặt tại đây, do quá lâu, 43 năm còn gì, dân trồng rừng,  đập nước thủy lợi dâng nước ngập mênh mông, làm mất hết dấu vết, đã 3 ngày rồi tìm mãi chưa ra chính xác nơi anh nằm. Anh có linh thiêng hãy chỉ chính xác nơi anh nằm để gia đình đón anh về với quê hương, về với Tổ tiên ông bà. Tôi vừa nói xong thấy anh cười và gật đầu 3 lần. Tôi mừng lắm và bảo: Anh Minh ơi; Mời anh đứng dậy chỉ đúng nơi anh nằm, tôi nói xong thì anh Hiệp một bên, cháu Dũng một bên, 2 người cố gắng nâng anh Minh lên, nhưng không được, mông cứ dính chặt trên đá, cháu Dũng nói một câu; Nặng lắm chú Hân ơi, tôi bảo: Khi còn sống anh Minh cao gần một mét tám, nặng gần 80 kg thì làm sao mà nâng được, anh Minh cười và tôi bảo, anh tự đứng lên và chỉ dẫn nơi anh nằm đi. Anh đứng lên mò mẫm từng bước, tôi sợ ngã, mà ngã về hướng Khe Khỉ thì sẽ nhào luôn xuống khe đang ngập đầy nước. Anh Hiệp cùng cháu Dũng 2 người 2 bên giữ cho anh khỏi ngã, khi đến phạm vi tôi đã chỉ trước đó cho anh Kỳ trong phạm vi 5m vuông, tự nhiên anh dừng lại, 2 chân dẫm chắc xuống đất, người cứng đờ ra, sau đó xoay tròn tít mù, anh Hiệp và cháu Dũng chạy quay tròn không kịp, loạng choạng suýt ngã,  tôi liền bảo: Anh Minh ơi! Nếu đúng cốt của anh dưới đó thì anh ngồi xuống, không quay nữa kẻo mệt, anh từ từ ngồi xuống, tôi lại bảo: Anh Minh ơi, khi em chôn anh đầu trở về hướng tây Bắc, chân về hướng Đông nam, nếu đúng anh nằm xuống thật chính xác cốt của anh, anh nằm xuống (nằm ngữa) và từ từ chỉnh đầu, rồi chỉnh chân, sau đó dập 2 chân xuống đất, tự nhiên người anh cứng đờ ra không động đậy. Tôi liền lấy dao đang cầm trên tay, vẽ đúng tư thế anh nằm để đánh dấu, sau đó lấy khăn sạch tẩm nước khoáng và đắp vào trán anh (nơi có huyệt Thiên Đình), lập tức anh tỉnh lại, cháu Vân lại là một cô gái khác hẳn lúc nãy, kể cả mắt và các động tác. Mọi người hỏi cô: Có nhớ gì không, cô trả lời không nhớ gì cả. Tôi bảo lúc nãy cháu giận giữ, 2 bàn tay cứ như muốn mổ vào chú, làm chú toát mồ hôi hột. Trưa hôm qua, khi đi tìm mộ, tôi bước đi và lượn qua lượn lại vị trí trên mấy lần, tự nhiên người như có một cái gì rợn cả sau gáy, sau đó bụng tự nhiên đau quặn lại, đau mà từ trước đến nay chưa bao giờ tôi gặp, bữa cơm trưa hôm qua mọi người ăn cơm, còn tôi bụng thì đói nhưng không thể ăn nổi, tôi bảo: Để tôi nghỉ một lát, có lẽ anh Minh phạt tôi đây mà, tôi nằm luôn ra trên đất, cô Đào liền ra bẻ lá cây vào trải ra cho tôi nằm tạm.

      Sau khi quan sát vị trí đánh dấu ra xung quanh, so sánh tầm mắt buổi tối khi chôn, nhìn lên hướng đồi nơi bọn Mỹ đang đồn trú lại, tôi khẳng định: Chính xác tuyệt đối mộ anh nằm ở dưới đây, và bảo với anh Kỳ cho người ra Đông Hà mua tiểu, các đồ khâm liệm để chiều nay tiến hành cất bốc hài cốt. Tôi liền điện báo cho huyện đội huyện Cam Lộ và phòng LĐTB & XH biết đã tìm được mộ, chiều nay tiến hành quy tập.

       Ăn cơm trưa xong gần 2 giờ chiều, vì phải chờ bộ phận ra Đông Hà chuẩn bị đồ quy tập hài cốt và cơm hộp luôn, tôi bàn phương án cất bốc với anh Kỳ là: Vì địa hình dốc, chân ở hướng thấp, đầu ở hướng cao (theo hướng Đông nam, Tây bắc, dốc lại tập trung trục Tây nam) nên ta lấy từ dưới lên. (theo truyền thống đều lấy từ trên xuống) anh Kỳ đồng ý. Sau khi đào bỏ lớp đất đá trên thì bắt đầu lấy hài cốt, thật kỳ lạ: Khi lấy hết từ dưới lên theo dấu vẽ, chính xác đến không ngờ, dấu vẽ đến đâu thì khi lấy xương cốt ở dưới chính xác đến đó, khi lấy hài cốt xong chưa làm thủ tục để bỏ vào tiểu. Bổng vong anh Minh lại nhập vào cháu Vân, mắt nhắm nghiền, đầu lại quay tròn và anh tự đứng dậy, đi từ từ đến phần mộ vừa lấy hài cốt xong, sau khi đến tầm ngang thắt lưng bước ra khoảng 20cm về phía Đông nam, bỗng anh dừng lại, chân đạp chặt xuống, tôi hiểu ngay chắc chắn còn thiếu cốt. (sau khi lấy khăn sạch, ướt đắp vào trán), cháu Vân lại tỉnh lại, đưa cháu Vân vào vị trí nghỉ ngơi, tôi cho đào, gạt và lấy thì đúng là còn phần xương cốt cột sống và xương mông. (tôi đã ngầm hiểu tại sao có sự việc trên, nhưng chưa nói ra). Lại lặp lại, Vong anh Minh lại nhập vào cháu Vân, như lúc nãy, lần này lại từ từ đi đến tầm ngang ngực , vai cũng cách vết vẽ đánh dấu ra khoảng 20cm như phía dưới, chân anh dẫm đứng chắc lại, cũng làm động tác như trên để cháu Vân tỉnh lại và tiếp tục cho đào, lần này người đào hơi mạnh tay nên làm xương cánh tay trên daì khoảng 25cm gãy làm 2. Tôi liền nói to lên làm mọi người giật mình: Chắc chắn là anh em dò mìn rồi, vị trí trên là bút kim tinh, vị trí dưới là khóa thắt lưng, sau khi phát hiện đào lấy hiện vật, kéo cả xương cốt lệch hẳn ra ngoài, biết có liệt sỹ ở dưới mà không báo để quy tập. Cùng lúc đó có tiếng một cô gái nói: Nơi này vợ chồng cháu lấy lên cách đây khoảng 10 năm rồi: Có 1 bút kim tinh võ nhôm, 1 khóa thắt lưng bằng sắt (tất cả là của Trung Quốc), hiện cháu đang giữ ở nhà. Tôi bảo: Liệt sỹ rất thiêng, cô hãy trả lại cho liệt sỹ, hương khói chu đáo để các anh phù hộ cho đi rừng làm ăn may mắn. Bỗng vong anh Minh lại nhập vào cháu Vân lần thứ 4, anh lại từ từ đi ra, lần này đến nơi để hài cốt thì ngồi xuống, mắt vẫn nhắm, hai tay sờ theo một chiều vòng tròn từ đầu xuống chân và ngược lên. Tôi liền nói: Anh Minh ơi! Anh hãy kiểm tra cho kỹ xem còn thiếu bộ phận nào của cơ thể nữa không, nếu không lần này mà ra là không ai vào nữa đâu, ở lại đây vĩnh viễn luôn đấy. Anh sờ lại một lần nữa và gật đầu 3 lần, miệng  nở một nụ cười. Mọi người tin chắc chắn rằng, lần này đã lấy hết xương cốt rồi. Anh Kỳ, anh Hiệp và tôi cùng trực tiếp gói hài cốt cẩn thận (không quên phong tục truyền thống, trước khi đưa hài cốt vào tiểu hô 3 lần 7 lượt vong hồn vào nhập cốt), đồng thời phủ Quân Kỳ cẩn thận.

      Xong xuôi đâu vào đấy thì cháu Dũng có hỏi tôi: Chú Hân ơi, đúng hài cốt chú nhà cháu đây rồi thì gốc cây nằm ở đâu, tôi trả lời: Hài cốt anh Minh nằm ở đây, thì chắc chắn gốc cây ở đây (tôi xòe bàn tay và vẽ khoanh tròn lại khoảng 30cm) về hướng đông bắc cách mộ khoảng 40cm, đồng thời hướng dẫn cho người  đào kiểm tra, đào gạt ngang trên ra xung quanh, thấy xung quang đất nguyên thổ lẫn đá rất cứng, còn ở giữa đất hữu cơ hơi xốp, tôi bảo tiếp tục đào thẳng sâu xuống nơi đất xốp và lấn ra xung quanh thì phát hiện rễ cây to tròn bằng cổ chân, tay vỏ còn đen bóng nhưng bên trong toàn đất, 43 năm do ngập nước cây chết, gốc cây đã thành đất không có mùn gỗ nữa, có một người địa phương nói: Không phải nghi ngờ gì nữa, 43 năm mà chú này nói đâu chính xác đến đấy, chú có một trí nhớ đến tuyệt vời. Quy tập hài cốt xong thì mặt trời cũng vừa xuống núi. Chúng tôi làm thủ tục cắt khẩu sau 43 năm anh Minh yên nghỉ tại chiến trường để về với gia đình và quê hương. Gia đình và tất cả mọi người ai cũng phấn khởi, di chuyển hài cốt anh Minh  trở ra nhà đón tiếp 27/7 TP Đông Hà tỉnh Quảng Trị. Hài cốt anh Minh được gia đình đặt đúng nơi quy định của nhà khách 27/7 tỉnh Quảng Trị. Cháu Vân ra ngay trong đêm để chiều mai kịp dự một cuộc họp quan trọng của trường.

      Sáng ngày 29/8/2011 tôi và anh Trần Hữu Kỳ đến tỉnh đội tỉnh Quảng Trị làm các thủ tục theo quy định liệt sỹ chưa được đơn vị quy tập sau chiến tranh, báo hài cốt đã được đồng đội, gia đình, huyện đội và phòng LĐTB & XH huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị quy tập ngày 28/8/2011 tại khu vực Khe Khỉ (Khe Lòn) xã Cam Thanh cũ, nay thuộc xã Cam Thủy huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau đó  làm việc với huyện đội và phòng LĐTB & XH huyện Cam Lộ, làm biên bản bàn giao, di chuyển hài cốt liệt sỹ Trần Hữu Minh về quê an táng (không an táng tại nghĩa trang tỉnh Quảng Trị), đồng thời liên lạc về quê thống nhất thời gian về, thời gian tổ chức làm lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang họ tộc tại quê nhà.

      20 giờ tối ngày 29/8/2011 chúng tôi bắt đầu khởi hành di chuyển hài cốt l/s Trần Hữu Minh lên đường về quê, cô Đào cùng đi. Thật lạ, lúc đi vào từ tp Vinh vào phải mất khoảng 8 tiếng đồng hồ, nhưng đêm đi ra chỉ khoảng 6 tiếng là về đến xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, xe chạy một mạch không dừng trên đường, nhưng không ai ngủ, nói chuyện vui vẻ, cảm giác ai cũng rất khỏe, không ai thấy mệt. Khoảng 2 giờ sáng xe vào đến cổng nhà, đèn điện sáng trưng, gia đình, họ tộc và bà con đã có mặt rất đông để đón anh Minh về. Một chị phụ nữ chạy đến đầu tiên, khoảng trên 50 tuổi (anh Kỳ bảo đấy là cô út), tôi và cô Đào chuyển hài cốt anh Minh vừa bước xuống xe, bỗng một tiếng khóc thét lên, làm chúng tôi đứng sững cả lại: Ôi anh Minh ơi là anh Minh ơi! Anh đi bộ đội em còn nhỏ, chạy theo anh, anh bảo về đi, khi về phép anh mua kẹo cho. Khi đi anh cao to, đẹp trai khỏe mạnh, mãi 43 năm sau anh mới về, em đón anh, anh chỉ còn có vậy thôi anh ơi! Ơi anh Minh là anh Minh ơi. Làm cho chúng tôi không kìm được lòng, ai  cũng phải chảy nước mắt. Khi di chuyển hài cốt anh Minh vào nhà, gia đình làm đủ các thủ tục xong, Gia đình, họ tộc cùng bà con thôn xóm thắp hương kính viếng anh thời gian còn lại cho đến sáng hôm sau.

        Đúng 09 giờ sáng ngày 30/8/2011 lễ truy điệu L/s Trần Hữu Minh được chính quyền địa phương, các ban nghành của xã, gia đình, họ tộc và bà con địa phương cùng ccb E27 tại Nghệ An tổ chức làm lễ truy điệu rất long trọng, trang nghiêm và đầy xúc động. Sau lễ truy điệu là lễ an táng, hài cốt L/s Trần Hữu Minh đã được địa phương, gia đình, họ tộc, ccb E27 và bà con địa phương di chuyển ra nghĩa trang họ tộc trên quả đồi giáp với huyện Thanh Chương Nghệ An an táng, từ nay anh sẽ mãi mãi yên nghỉ vĩnh hằng với Tổ Tiên ông bà tại quê nhà.

    Tôi nghỉ ngơi được 7 ngày thì thân nhân gia đình các L/s của C1-D2-E27 tiếp tục nhờ tôi dẫn vào để quy tập tiếp các l/s. Lần này tôi điện thoại thông báo cho anh Thái Nguyễn Minh (trận trên là trung đội trưởng) biết và có vào chiến trường lấy chiến sỹ ra không. Anh nói ngay: Có có, cả nữa tháng nay tôi không ngủ được, bị anh em dựng đứng lên suốt đêm. Thế là tôi và anh Thái Nguyễn Minh cùng trở lại chiến trường quy tập tiếp L/s Cao Đức Sũng- quê xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

        Như vậy các liệt sỹ hy sinh ngày 14/9/1968 của C1-D2-E27-B5: 4 l/s đã được đưa về quê gồm:1/ L/s Nguyễn Kim Sơn- Quê xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; 2/ l/s Tửu ở D31-B5 (L/s Nguyễn Kim Sơn và L/s Tửu là Anh Nguyễn Xuân Quy cùng đồng đội quy tập năm 2008); 3/ l/s Trần Hữu Minh- quê xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An; 4/ l/s Cao Đức Sũng- quê xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

      Còn lại 4 l/s gồm: 1/ L/s Kiều Văn Ngưỡng- quê Can Thượng, Tùng Thiện Hà Tây (cũ); 2/ L/s Hồ Văn Hòe- quê xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An; 3/ L/s Nguyễn Xuân Kháng- quê xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An; 4/ L/s Nguyễn Văn Lợi- quê xã Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn, Nghệ An đang yên nghỉ tại chiến trường. Trong đó l/s Hòe và l/s Kháng do lý do gia đình đã hợp đồng cùng vào với gia đình l/s Sũng, nhưng dừng lại. L/s Kiều Văn Ngưỡng trong giấy báo tử chưa khớp với địa điểm hy sinh, tôi đang kiểm tra lại, còn l/s Nguyễn Văn Lợi quê xã Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn, Nghệ An tôi chưa kết nối được với gia đình.

       Tôi kể trên đây là chuyện có thật 100%, hiện nay tôi và những người chứng kiến trường hợp quy tập L/s Trần Hữu Minh trên đây, chưa tự giải thích được, tại sao và như thế nào, đồng thời mong được góp thêm rất nhiều chuyện trong cả nước, rút kinh nghiệm làm phong phú thêm bài học trong tìm kiếm liệt sỹ sau chiến tranh hiện nay.

 

                                                                            Người thực hiện.

                                                                           Nguyễn Như Hân.

 

          Xem hình tại đây

 

 

Các tin khác