LÍNH 813 HẠ LONG KỂ CHUYỆN ĐI TÌM LIỆT SỸ PHÙNG NGỌC TƯỜNG

Liệt sỹ : Phùng Ngọc Tường sinh năm 1952

Quê quán : Đèo Sen, Hạ Lầm, Hòn Gai, Quảng Ninh

Nhập ngũ : 05/01/1972

Đơn vị nhập ngũ: Tiểu đoàn 813 trung đoàn 8 Quân khu 3

Đơn vị chiến đấu : Tiểu đoàn 3 trung đoàn 27 mặt trận B5

Hy sinh ngày : 12/ 9/1972 tại mặt trận Quảng Trị

         Liệt sỹ Tường sinh ra trong một gia đình công nhân mỏ. Bố của liệt sỹ Tường là ông Phùng Bá Phượng công nhân xe goòng chở than trong hầm lò. Mẹ là bà Lê Thị Côi nội trợ trong gia đình nuôi bốn em nhỏ khi Tường nhập ngũ. Tường là một trong số 6 người bạn cùng khối 10 nhập ngũ 1 ngày. Đã có 3 người hy sinh, còn lại ba người. Một đã tìm thấy là liệt sỹ Vũ Đình Quyết ở K3/E27 còn lại Tường và liệt sỹ Phạm Văn Long ở K3/E27 chưa tìm được. Người mẹ già năm nay đã 87 tuổi cũng chẳng còn nhớ mặt thằng con, nhưng muốn làm theo  di chúc của chồng là : " Khi nào kiếm đủ tiền thì vào Quảng Trị thắp hương lên phần mộ của thằng Tường". Những thằng bạn cùng khối khi giải ngũ đi làm ở cơ quan bận bịu, nay đã nghỉ hưu cả  đã có thời gian rảnh rỗi thường day dứt vì chưa tìm được bạn cũng là đồng đội.

         Ngày 07/09/1972 tiểu đoàn bộ K3/E27 bị một trận pháo kích tại Hạ Thượng, Gio Linh, nhiều đồng chí đã hy sinh. Trong đó có đồng chí Phấn tiểu đoàn phó. Nghe các đồng đội kể lại, Tường bị thương mất một chân bên phải đến đầu gối và dập nát bàn chân trái. Anh được chuyển thẳng ra viện 48 ở xã Vĩnh Thành Huyện Vĩnh Linh để điều trị . Do vết thương mất quá nhiều máu  anh đã hy sinh ngày 12/09/1972 . Anh còn hát mấy câu nhạc vàng, ( do y tá viện 48 kể lại với đồng đội đang điều trị trong phẫu) trước khi từ giã cõi đời.

         Đơn vị gửi giấy báo tử và sơ đồ mộ chí của liệt sỹ Tường về cho gia đình. Nhận được tin bố của Tường buồn lắm , ông thường lên núi sau nhà khóc một mình, ít lâu sau mới cho gia đình hay tin.

         Các em của Tường, do không có điều kịên đã nhờ người đến nghĩa trang xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh để tìm kiếm nhưng không thấy. Anh em trong đơn vị lên mạng tìm danh sách liệt sỹ ở 72 nghĩa trang Quảng Trị cũng không thấy tên của liệt sỹ. Vậy phần mộ của liệt sỹ đang ở đâu khi liệt sỹ hy sinh trên đất Bắc ở viện Quân y 48. Qua phân tích sơ đồ mộ chí, anh em trong đơn vị  đều đồng ý mộ của liệt sỹ Tường  nằm ở trong nghĩa trang của nhân dân rất gần với một bệnh viện dã chiến. Ban LL tiểu đoàn 813 - E 27 tại Hạ Long đã họp toàn thể anh em gồm 28 đồng chí Thống nhất cử 2 đ/c là Vũ Phi Định và Tạ Đức Thắng cũng là bạn học đi tìm phần mộ liệt sỹ Tường.

         Đầu tháng 04/2011 Hai người bắt xe đò, ba lô lộn ngựơc vào Vĩnh Linh. Điểm đến đầu tiên là xã Vĩnh Long (Vì trong đơn vị có người bảo gặp Tường ở viện 52). Thật là cảm động khi đ/c cán bộ xã đưa cho chúng tôi xem quyển vở được chép cẩn thận bằng bút lông, trên nền giấy bản những liệt sỹ đã hy sinh tại xã . Nhiều nhất là tháng 08/1972 (Mấy trang giấy). Chúng tôi lật từng trang cẩn thận, từng tờ như dính vào nhau, nâng niu, trân trọng. Nhưng không có tên LS Tường. Chúng tôi có ghi lại mấy tên đồng đội ở Quảng Ninh. Rời Vĩnh Long chúng tôi đến xã Vĩnh Thành mà trong lòng xốn xang mà trân trọng những mất mát quá lớn vẫn được lưu trữ và cũng tự đặt câu hỏi là những quyển vở ghi chép đó sẽ được bảo tồn như thế nào khi các lớp lớp người kế nghiệp ở xã Vĩnh Long?.

         Chúng tôi đến xã Vĩnh Thành nhưng không vào UBND xã trình báo mà theo chỉ dẫn tìm đến nhà ông chủ tịch xã thời kỳ năm 1972. Tên ông là Trần Minh Yên. Một ông già đã ngoài 80 tuổi di chuyển khó khăn với chiếc nạng gỗ. Qua vài câu chào hỏi, ông vào buồng rồi trở ra với bộ quần áo chỉnh tề. Ông cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính Phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn rũa ra những nguời lính như chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội. Ông khích lệ chúng tôi nhiều. Ông cho biết bà Hoàng Thị Cần người biết ngôi mộ LS đã mất năm 1980. Những chữ viết ở bản sơ đồ mộ chí đó không phải là chữ của bà Cần. Bà là người đảm nhiệm nhiều chức vụ khác  nữa trong xã nên có nguời khác đã viết thay. Việc chính xác của sơ đồ này chưa phải hoàn toàn đã đúng. Chỉ có toạ độ là tin cậy. Những dân quân du kích thời năm 1972 đều được học và biết toạ độ vì rất nhiều việc liên quan như bom rơi không nổ , địa đạo , chôn cất liệt sỹ .... đều được ghi toạ độ. Chia tay ông Yên một chiến sỹ cách mạng lão thành, tuy tuổi tác đã cao mà ý chí, minh mẫn lạ thường. Theo hướng dẫn của ông Yên chúng tôi lên UBND xã Vĩnh Thành trình giấy giới thiệu để được cán bộ xã cho xem bản đồ toạ độ nhưng không có. Ông Lê Minh Dục chủ tịch UBND xã giới thiệu cho chúng tôi  những cán bộ xã năm 1972 ở các thôn Liêm Công Đông và Liêm Công Tây như các ông Trương Minh Lơi các cụ cũng không biết gì hơn ngoài sổ sách đã ghi chép  để ở UBND xã Vĩnh  Thành mà chúng tôi đã được xem. Lang thang từ thôn nọ sang thôn kia, chúng tôi thấy có một người đàn ông  trạc 63-64 tuổi, tay cầm con dao đi rừng theo sau không nói năng gì, thi thoảng anh ta lại ngước nhìn những giấy tờ liên quan khi chúng tôi hỏi chuyện. Lâu sau anh ta mới bảo có một ngôi mộ LS nằm ngay cạnh mộ bố anh vào khoảng năm 1972. Bố anh mất năm 1973 khi hung táng, cạnh ngôi mộ này. Anh có vun đắp cho ngôi mộ LS này chừng 6 năm. Khi di chuyển bốc cất bố đi thì ít khi anh qua lại nữa. Theo anh chúng tôi vào một khu rừng cao su khuất  trong đó là nghĩa trang của thôn Liêm Công Tây. Anh chỉ cho chúng tôi những ụ đất, cửa hầm xây bằng gạch của viện 48 mà thời gian dài vẫn chưa xoá hẳn được, cách nghĩa trang chừng 150 m. Không hề tính toán, khi chúng tôi đến nghĩa trang đúng vào ngày thanh minh. Trong Vĩnh Linh người ta gọi là ngày sủi mộ. Hai người chúng tôi với một số người đang tảo mộ gần đó đi thắp hương cho các mộ . Đến ngôi mộ đó, bạn tôi vừa thắp được mấy nén nhang thì tôi thấy tay anh rung rung. Sau đó anh kể lại rằng ngôi mộ đó như có một sức hút vô hình cực mạnh kéo tay anh xuống, không nhấc lên được . Anh khấn vài câu thì mới rút được tay lên. Năm nay đã 60 tuổi mà chưa hề gặp chuyện tương tự. Hai đứa chúng tôi vô thần, thấy chuyện đó thật lạ. Chúng tôi chia tay người đàn ông được biết anh tên là Nguyễn Văn Bình ở thôn Liêm Công Tây, vẽ sơ đồ đường đi từ tỉnh lộ 70 vào khu mộ rồi trở ra Bắc mà trong lòng hồi hộp khó tả, còn chút tia hy vọng!

         Từ ngày sau đó trở đi hai thằng chúng tôi ăn không ngon, ngủ chẳng yên như hồn linh thiêng của LS khẩn khoản đưa anh về quê hương. Chúng tôi xác định khả năng tìm kiếm duy nhất bây giờ là, tìm ra được bản đồ toạ độ để xác định điểm 85-20 - ô6. Chúng tôi lên Googlemaps xác định vị trí ngôi mộ ở thôn Liêm Công Tây trên bản đồ và in ra nhiều cự ly.

            Tiếp đến chúng tôi gửi một bức thư cho tỉnh đội Quảng Trị nhờ o du kích năm 1972 tại Đông Hà là bà Trần Thị Phượng đưa thư , tìm giúp chúng tôi bản đồ toạ độ huyện Vĩnh Linh. Sau 12 ngày chờ đợi khắc khoải, ông Nguyễn Quang Thục trung tá ở tỉnh đội gửi chúng tôi bản đồ và đánh dấu phần mộ của liệt sỹ Tường.

           Sau khi ghép hai bản đồ này lại . phần mộ của LS Tường đúng gần như trùng khớp. Cả đơn vị vui mừng khôn siết, cùng với gia đình LS bàn việc đưa về quê hương. Gia đình LS rất khó khăn. BLL họp bàn quyết định ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, sẽ nhận việc cho anh em cùng tham gia làm góp tiền để đón LS về. BLL cử 05 đ/c và gia đình 1 người lên đường vào Quảng Trị. Được sự tiếp đón ân cần của ông chủ tịch xã Vĩnh Thành Lê Minh Dục. Ông đã triệu tập các ban nghành, đoàn thể của xã và thôn Liêm Công Tây và cùng thống nhất nội dung sau :

          1. Nếu là mộ của nhân dân thì sẽ bốc lên cho vào quách, an táng tại nghĩa trang vô chủ của xã.

          2. Nếu là LS khác có di vật hay không có di vật thì cũng đưa vào nghĩa trang LS của xã .

          3. Nếu là LS Tường thì mất chân phải đến gối và khả năng không có bàn chân trái

          4. 04 Người khai quật do địa phương đảm nhận.

      12 h đêm Vĩnh Thành yên ắng , sương mù dày đặc trong rừng cao su, lởn vởn cùng hương khói, các loại đèn sáng trưng. mọi người thốn thức, hồi hộp như chuẩn bị một trận đánh. Từng nhát cuốc nhè nhẹ bổ xuống lớp đất mà 39 năm được nén lại. Rồi phần hài cốt đã được lộ ra, từng phàn từng phần một. Người khai quật nói to , ông này cũng cao đây. Rồi: ông này không có chân phải. Mọi người đều đổ con mắt vào, chỉ còn xương đùi . Tiếp đến- ông này không có bàn chân trái. Tất cả chúng tôi ôm chầm lấy nhau, những giọt nước mắt và cả tiếng cười ngẹn ngào nhẩy cẫng lên như con trẻ. Đúng là mày thật rồi Tường ơi! mày thật linh thiêng, mày dẫn chúng tao đến nơi mày nằm để đòi về với quê hương.

       Tạm biệt, cảm ơn nhân dân xã Vĩnh Thành và ông Nguyễn Văn Bình đã chăm sóc phần mộ  của LS. Để hôm nay đây LS đã được trở về với quê hương, gia đình và đồng đội.

       Ngày 28/4/2011 lễ an táng LS Phùng Ngọc Tường đã được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang thành phố Hạ Long trong sự cảm động, khâm phục của chính quyền địa phương, bà con khối phố, sự sẻ chia chân tình của các BLL /CCB trong niềm tự hào vô bờ bến của những người lính E27 Quảng Ninh.

 

                                    Xem hình TẠI ĐÂY

 

                                                                               BLL/ CCB D813/E27