Nước Nga trong trái tim tướng Việt

 

(Nguoiduatin.vn) - Đối với Thượng tướng – Viện sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, đất nước Nga giống như “Tổ quốc thứ hai”. Những ký ức đẹp về xứ sở bạch dương đã khắc sâu vào tình yêu và nỗi nhớ trong ông.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/10/1917-7/10/2012), tướng Hiệu đã dành tất cả những gì thân thương nhất để nói về đất nước và con người nơi đây.

Những cảm xúc khó phai

Năm 1977 cũng đúng vào dịp 60 năm Cách mạng tháng 10, lần đầu tiên Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu được đặt chân lên đất nước Nga. Khi đó, ông là Anh hùng đại diện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với đoàn Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam đi thăm và cảm ơn các nước XHCN, các nước độc lập dân tộc đã giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chuyến thăm đó, ông đã cùng đoàn có rất nhiều kỷ niệm thật sâu sắc. Đó là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của vùng Odessa, nằm ở miền Nam Ukraina, ven bờ Tây Bắc biển Đen. Năm 1945, Odessa là một trong 4 thành phố đầu tiên được vinh danh “thành phố Anh hùng” của Liên Xô cũ, cùng với Le-nin-grad, Sta-lin-grad và Se-bas-to-pol. Odessa thời Liên Xô là một hải cảng thương mại quan trọng bậc nhất và đó cũng là cơ sở hải quân chiến lược của liên bang Xô Viết.

Thượng tướng – Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu (đứng thứ 5 từ trái qua) 

trong buổi lễ trao bằng Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học quân sự LB Nga

 

Chính tại thành phố này, trước đây, phu nhân của tướng Hiệu – thầy thuốc ưu tú Lại Thị Xuân đã từng học 7 năm ở đại học Y khoa Odessa. Cho đến tận bây giờ, tướng Hiệu vẫn không thể quên được cái cảm giác bị cuốn hút bởi những bản nhạc và điệu múa ballet nổi tiếng như: Hồ thiên nga, Carmen, Nutcraker… diễn ra trong Nhà hát giao hưởng Quốc gia Odessa mà ông được tham dự.

Cũng trong chuyến đi đó, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu cùng Anh hùng vũ trụ German-Titov và đoàn Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam đến thăm Hạm đội Hắc Hải của Nga đóng ở Ukraina. Sau đó, cả đoàn đi trên con tàu mang tên “tình yêu” – con tàu Amua, từ dòng sông Đa-nuýp thơ mộng qua Rumani, Nam Tư, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, Áo, Đức… và cuối cùng là trở lại đất nước Nga tươi đẹp.

Ông đã không thể kiềm chế được sự xúc động khi trông thấy hàng ngàn cánh tay cầm cờ hoa vẫy chào, họ hô vang “Việt Nam! Việt Nam! Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! Muôn năm!”. Nhớ về hình ảnh đó, tướng Hiệu tâm sự: “Tất cả anh em trong đoàn chúng tôi đều cảm nhận được những gì chân thành nhất, thân thương nhất, ấm áp nhất mà nhân dân Nga dành cho những người bạn Việt Nam. Những kỷ niệm với nước Nga vẫn mãi mãi lưu giữ trong trái tim tôi.

Nước Nga thật tươi đẹp và con người Nga cũng rất nhân hậu, bao dung. Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ hào hiệp của nhân dân Liên Xô trên tất cả các lĩnh vực từ an ninh quốc phòng đến kinh tế, văn hóa, xã hội...”.

“Người mẹ thứ hai”!

Đến năm 1983, Nguyễn Huy Hiệu được giao nhiệm vụ là trưởng đoàn dẫn 4 vị Sư trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang học tập tại Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu của Nga (Học viện Frunze). Mùa thu ở nước Nga luôn đẹp hơn bất kỳ bức tranh vẽ, ảnh chụp hay câu chuyện cổ tích nào, những rừng cây lá vàng rực rỡ và thảm lá làm say đắm biết bao thi sỹ, họa sỹ.

Có thể nói những ca khúc vừa mang một nỗi buồn man mác thấm đượm trong vẻ đẹp sâu lắng của đất nước, con người Nga nhưng cũng đầy nghị lực, vượt qua gian khó như: Chiều Matx-cơ-va, Cây thùy dương, Cachiusa, Đôi bờ… đã giúp Nguyễn Huy Hiệu vơi đi nỗi nhớ quê hương, hun đúc trong ông ý trí quyết tâm học tập những tinh hoa trí tuệ của người Nga để dựng xây đất nước.  Đặc biệt là thế hệ những thầy, cô giáo đã yêu quý, chăm sóc học sinh Việt Nam như chính con em mình. Nhân dân Nga tốt bụng, hiền hậu đã nuôi dưỡng, đùm bọc, giúp sinh viên Việt Nam trưởng thành cả về nhân cách, tri thức và trí tuệ.

Tướng Hiệu cùng phu nhân thăm nước Nga vào mùa đông năm 2010

 

Tất cả những điều đó đã khiến Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội ông càng thêm gắn bó với đất nước này. Nguyễn Huy Hiệu đã có đầy ắp những kỷ niệm đẹp về mùa thu vàng, về đêm trắng bên bờ sông Neva, về tuyết rơi ở Xanh pê-téc-bua và những hàng bạch dương soi bóng dưới dòng sông thơ mộng, tan theo những sải cánh của thiên nga…

Sau này, khi đã ở cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng Hiệu đã nhiều lần được tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hữu nghị đất nước Nga. Đặc biệt, năm 2002, ông được bầu làm đồng Chủ tịch Ủy ban phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Chủ tịch Ủy ban Khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Bang Nga trong lĩnh vực quốc phòng.

Tướng Hiệu cũng đã có hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, nhiều lần đến thăm Nga với tư cách là trưởng đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Những chuyến thăm đó đã góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị Việt – Nga vốn đã thắm thiết, keo sơn.

Tháng 4/2010, Thượng tướng - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga bầu và trao bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh. Ông thường xuyên được gặp các nhà khoa học Quân sự và Viện sĩ của Nga để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Tháng 12/2010, các nhà khoa học Liên bang Nga đã mời ông và phu nhân tới thăm thành phố Matx-cơ-va và Xanh pê-téc-bua. Trái ngược với thời tiết mát mẻ của mùa hè, mùa đông nước Nga phủ đầy tuyết trắng, lạnh dưới -350C. Dù thế, nhưng người thật ấm áp với cái tâm hướng về một nền khoa học chân chính trong mối quan hệ đối tác chiến lược của hai dân tộc Việt - Nga…

Nói theo cách của nhà văn Lê Hoài Nam, nếu quan niệm tổ quốc như một người mẹ hiền thì tổ quốc Việt Nam chính là người mẹ thứ nhất của Nguyễn Huy Hiệu. Còn nước Nga chính là người mẹ thứ hai của ông.

Tướng Hiệu chia sẻ, ông rất vui khi được thấy đất nước Nga hôm nay, trải qua biết bao nhiêu biến thiên của lịch sử, đã trở lại thành một quốc gia hùng mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nước Nga trong trái tim ông, luôn là tất cả những gì thân thương và sâu lắng nhất.

Hồng Hà

Các tin khác